clock

CEO Việt

12:17 22-12-2015

Người sáng lập thương hiệu Kềm Nghĩa và tham vọng chinh phục thị trường quốc tế

Đứng đầu Việt Nam trong ngành sản xuất các sản phẩm chăm sóc móng (nail), ông Nguyễn Minh Tuấn - CT HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Kềm Nghĩa chia sẻ rằng tham vọng của ông là trong vòng 10 năm nữa sẽ đưa thương hiệu Kềm Nghĩa “phủ sóng” thị trường quốc tế và có mặt tại tất cả các trung tâm thương mại lớn trên thế giới.

Ông NGUYỄN MINH TUẤN - Người sáng lập Công ty Kềm Nghĩa

Để vươn tới mục tiêu này, Kềm Nghĩa đang triển khai xây dựng nhà máy tại Khu công nghiệp Tân Phú Trung, Củ Chi, TP.HCM với vốn đầu tư ước tính trên 300 tỷ đồng kết hợp với kế hoạch phát triển thị trường chiến lược. Trong đó, điểm đến trước mắt sẽ là các nước thành viên TPP.

Trở lại 7, 8 năm trước, trái với nhiều doanh nghiệp khác đầu tư đa ngành nghề để gia tăng lợi nhuận một cách nhanh chóng nhưng không bền vững do dàn trải vốn đầu tư, nhất là lĩnh vực bất động sản, người sáng lập Kềm Nghĩa vẫn quyết định trung thành với lĩnh vực lõi là sản xuất kềm, bởi “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Năm 2007, tuy phải chịu một “cú sốc” khá lớn trong kinh doanh do một quyết định không phù hợp về giá, khiến sản lượng sụt giảm gần 50% nhưng bằng sự bản lĩnh và nhạy bén với thị trường, ông Tuấn vẫn vững tâm lèo lái công ty vượt qua năm sóng gió. Sau thời gian phục hồi, đầu năm 2008, Kềm Nghĩa đã chuyển đổi thành công ty cổ phần và bước sang giai đoạn phát triển mới, toàn diện về quy mô sản xuất cũng như đa dạng hóa sản phẩm với định hướng sẽ quốc tế hóa thương hiệu Kềm Nghĩa.

Năm 2010, tổng tài sản của Kềm Nghĩa đạt 288 tỷ đồng, đến năm 2014 con số đó đã tăng lên 440 tỷ đồng (tăng 53%). Doanh thu năm 2010 của Kềm Nghĩa là 276 tỷ, đến năm 2014 đạt gần 500 tỷ, với định hướng sẽ quốc tế hóa thương hiệu Kềm Nghĩa. Năm 2010, tổng tài sản của Kềm Nghĩa đạt 288 tỷ đồng, đến năm 2014 con số đó đã tăng lên 440 tỷ đồng (tăng 53%). Doanh thu năm 2010 của Kềm Nghĩa là 276 tỷ, đến năm 2014 đạt gần 500 tỷ, tăng gần 50%. Năm 2010, lợi nhuận sau thuế của Kềm Nghĩa đạt 29 tỷ đồng, đến năm 2014 là 58 tỷ đồng (tăng 100%). Những con số này minh chứng thuyết phục cho tốc độ phát triển nhanh và vững chắc của Kềm Nghĩa trong 5 năm qua. Hiện nay, Kềm Nghĩa sản xuất hơn 100 mã sản phẩm, thuộc 15 nhóm hàng phục vụ ngành công nghiệp làm đẹp, chăm sóc móng: kềm cắt móng, kềm cắt da, nhíp, giũa móng, bám móng, kéo cắt tóc… Sớm ý thức được việc tạo dựng và bảo vệ thương hiệu, Kềm Nghĩa đã đăng ký bản quyền và bảo hộ thương hiệu tại hầu hết các thị trường xuất khẩu trọng điểm. “Kinh doanh đã xây dựng thì phải biết giữ gìn giá trị thương hiệu. Tôi rút ra bài học từ sự mất thương hiệu nhiều doanh nghiệp đi trước” ông Tuấn chia sẻ. Cũng bởi suy nghĩ sâu xa này mà vài năm trước có một nhà đầu tư của nước ngoài ngỏ ý mua lại công ty và định giá rất cao nhưng ông nhất định không bán bởi “Kềm nghĩa không chỉ là tài sản mà còn là tâm huyết cả đời của tôi, dù giá nào tôi cũng không bán và chưa từng có ý định sẽ bán”, người sáng lập Kềm Nghĩa khẳng định.

Mỗi năm, Kềm Nghĩa cung cấp cho thị trường 800 tấn sản phẩm phục vụ ngành nail

Để tham gia vào “sân chơi” của thị trường thế giới thì không dễ với một doanh nghiệp Việt Nam, hình thức khá phổ biến là tham gia các hội chợ quốc tế chuyên ngành. Ông Tuấn tâm sự: “Giai đoạn đầu khó lắm, đối tác nước ngoài còn chưa tin tưởng mình. Tôi còn nhớ lần gửi thư xin tham gia chương trình hội chợ ở Hongkong, ban tổ chức không chấp thuận, yêu cầu mình phải đăng ký trước một năm. Khi đề nghị đăng ký tham gia vào năm tiếp theo, họ gạt ra, nói danh sách đầy rồi, xếp mình vào danh sách chờ. Nghĩa là nếu có đơn vị nào bỏ thì mới đến lượt mình. Lần đầu tham gia hội chợ, khách tham quan ghé gian hàng của chúng tôi, đều tỏ ý hoài nghi về xuất xứ của sản phẩm. Họ không nghĩ ở Việt Nam có thể sản xuất được kềm nên dù gian hàng chúng tôi có treo cờ Việt Nam nhưng thỉnh thoảng vẫn có rất nhiều khách hỏi rằng công ty chúng tôi có liên quan gì đến Trung Quốc hay không. Nén tự ái, tôi nhã nhặn mời họ qua Việt Nam, tham quan những nhà máy của chúng tôi”. Cứ kiên trì với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, ông Tuấn cùng thương hiệu Kềm Nghĩa đã có mặt tại 30 quốc gia trên thế giới. Tất cả đều thừa nhận sản phẩm kềm “Made in Vietnam” của Kềm Nghĩa là một trong những sản phẩm hàng đầu về chất lượng. Kềm Nghĩa hiện đang sở hữu các nhãn hiệu: kềm Nghĩa tại Việt Nam, Nghia Export tại Mỹ, Nghĩa Cắt tại Trung Quốc, OMI tại thị trường châu Âu và nước sơn móng O’Beauty. Bên cạnh các sản phẩm mang thương hiệu của mình, Ông Tuấn còn cho biết thêm, hiện Kềm Nghĩa cũng đang là doanh nghiệp đứng đầu Việt Nam về việc sản xuất sản phẩm OEM (original equipment manufacturer – nhà sản xuất theo đơn đặt hàng) dưới tên một số thương hiệu lớn trên thế giới.

Trong chiến lược phát triển ra thị trường nước ngoài, việc Việt Nam chính thức gia nhập cộng đồng các nước TPP là một cú hích quan trọng đối với Kềm Nghĩa. Thuận lợi lớn nhất đối với Kềm Nghĩa khi Việt Nam gia nhập TPP là xuất nhập khẩu. Hiện tại, nguồn nguyên liệu chính của Kềm Nghĩa là thép nhập khẩu từ Nhật nên việc gia nhập TPP sẽ giúp cho việc nhập khẩu nguyên liệu của công ty được miễn thuế nhập khẩu và giảm được giá thành sản phẩm. Đối với xuất khẩu, công ty sẽ được miễn thuế xuất khẩu kềm từ Việt Nam đến các nước thành viên: Úc, Brunei, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Canada, Peru, Singapore, đặc biệt Mỹ và Nhật Bản là hai thị trường truyền thống và rất tiềm năng của Kềm Nghĩa. Khi TPP được ký kết và thống nhất luật lệ, quy tắc chung về sở hữu trí tuệ, chất lượng sản phẩm, an toàn lao động… thì Kềm Nghĩa cũng như các doanh nghiệp khác của Việt Nam sẽ bước vào một sân chơi mới và có những luật chơi mới phải tôn trọng. Đây là cơ hội lớn, chính vì vậy, Kềm Nghĩa phải nhanh chóng hoàn thiện chính mình để tồn tại, phát triển và giành thắng lợi trong một môi trường cạnh tranh và hợp tác rất sôi động này. Ngoài ra, hiệp định TPP được ký kết chứng tỏ chiến lược phát triển mà Kềm Nghĩa đã xây dựng cho mình trong thời gian qua hoàn toàn đúng. Những đầu tư của Kềm Nghĩa cho việc tiếp thu công nghệ, xây dựng quy trình sản xuất hiện đại, huấn luyện đào tạo tay nghề, kỹ năng cho người lao động, tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ, đảm bảo an toàn lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ chăm sóc khách hàng là không hề uổng phí, khẳng định tầm nhìn xa của doanh nghiệp.

Về định hướng phát triển của Kềm Nghĩa trong những năm tới, ông Tuấn cho biết: “Chúng tôi sẽ phát triển nhanh và mạnh kênh phân phối tại Mỹ. Mở rộng và đầu tư kênh phân phối thị trường Asean, đào sâu các thị trường đã khai thác. Đầu tư hiện đại hóa công nghệ và quy trình sản xuất, tăng năng suất đồng thời đảm bảo chất lượng sản phẩm, hướng quy trình sản xuất theo chuẩn y khoa để đảm bảo sự an toàn vệ sinh và sức khỏe cho người tiêu dùng. Đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao trong lĩnh vực sản xuất kềm phục vụ cho nhu cầu mở rộng sản xuất. Thu hút và giữ nguồn nhân lực chủ chốt, có tay nghề kỹ thuật cao. Hoàn thiện hệ thống quản lý, hệ thống thông tin và các công cụ quản lý, kiểm soát hoạt động kinh doanh. Đồng thời, tích cực đẩy mạnh các hoạt động quảng bá thương hiệu, xây dựng thương hiệu Kềm Nghĩa trở thành một trong những thương hiệu dẫn đầu thế giới”.

Từ một người thợ mài kềm ngoài vỉa hè những năm 1980 thành một doanh nhân thành đạt như ngày hôm nay, cuộc đời và sự nghiệp của ông Nguyễn Minh Tuấn đã tốn không ít giấy mực của báo chí nhưng người sáng lập ra thương hiệu nổi tiếng này luôn tâm niệm nếu chỉ chăm chỉ làm việc nhưng không làm bằng cái Tâm thì thành công cũng sẽ đến nhưng không bền vững. Bởi vậy, dù sở hữu một khối tài sản lớn, là ông chủ của 3 du thuyền hạng sang nhưng hàng ngày, ông Tuấn vẫn đều đặn xuống các nhà máy để thị sát hoạt động sản xuất, kịp thời giải quyết các vấn đề về chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, ông cũng luôn tiếp xúc gần gũi với công nhân, lắng nghe những chia sẻ của họ để đồng cảm và có những chính sách hỗ trợ đời sống vật chất, tinh thần tốt hơn cho chính những con người đã góp phần rất lớn cùng ông đưa thương hiệu Kềm Nghĩa ngày càng vươn xa hơn.

 

Thùy Duyên