clock

SỰ KIỆN

06:13 19-09-2015

Người Việt sẽ đi lên bằng văn hóa “linh hoạt”?

Câu hỏi này được TS. Võ Trí Thành đặt ra tại Hội thảo Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới tổ chức ngày 18/9 tại TP.HCM.

TS. Võ Trí Thành

Liên quan tới câu chuyện tồn tại và phát triển của doanh nghiệp vừa và nhỏ khi hội nhập, TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương đã đề cập tới 3 vấn đề.

Thứ nhất, câu chuyện văn hóa. Người Nhật Bản được biết đến đi lên bằng văn hóa tỉ mỉ, cẩn trọng, sâu sắc. Người Hàn Quốc đi lên nhờ văn hóa dũng mãnh. Và ông đặt câu hỏi người Việt liệu có đi lên bằng văn hóa linh hoạt không? Bởi người Việt được nhận xét bản chất gốc nhất là linh hoạt.

“Linh hoạt có cái hay là kiểu gì doanh nghiệp cũng sống, dù nước đến chân mới nhảy. Nói hơn 200 nghìn doanh nghiệp “chết” nhưng thực ra chết cái này các chủ doanh nghiệp lại làm cái khác”, chuyên gia nhận định.

TS. Võ Trí Thành cho biết, tính từ đầu năm có 40 nghìn doanh nghiệp đóng cửa, 60 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, nhưng trong số doanh nghiệp mới thành lập có đến 2/3 là doanh nghiệp đóng cửa thay tên đổi họ.

“Linh hoạt lắm! Nhưng cái dở là thiếu sáng tạo, thiếu tầm nhìn. Bởi nhiều doanh nghiệp còn có quan niệm sáng tạo làm gì bởi kiểu gì họ cũng sống, thay vì sáng tạo họ sống bằng “ăn cắp vặt” ý tưởng, rút ngắn quy trình dẫn đến sản phẩm không đạt chất lượng”, ông Thành nhấn mạnh.

Vấn đề thứ hai là gia đình và hình thức công ty có tổ chức công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần. Công ty gia đình có rất nhiều lợi thế nhưng bài học ở Đông Á, người ta thấy giai đoạn đầu là công ty gia đình nhưng nếu muốn làm ăn bài bản thì phải là công ty có tổ chức.

“Việt Nam có mấy công ty cổ phần đúng nghĩa là công ty cổ phần đại chúng? Công ty còn mang tính gia đình cao lắm. Tất nhiên hình bóng gia đình của truyền thống ấy phải có nhưng nền tảng pháp lý của tổ chức phải có. Nếu đúng công ty ấy có rất nhiều lợi thế.”, TS. Thành chia sẻ.

Và vấn đề thứ ba là chuỗi, mạng, phân khúc mà doanh nghiệp Việt Nam cần xác định để tham gia. Ông Thành lấy ví dụ về một doanh nghiệp làm trong ngành thủy sản phải đóng cửa hai nhà máy và chỉ duy trì một nhà máy.

“Lời khuyên của tôi là không tiếc 2 nhà máy đó, lý do là doanh nghiệp phải làm từ A đến Z, từ nuôi trồng chế biến đến xuất khẩu… mà lại không đủ kinh nghiệm. Hãy tham gia vào mạng chuỗi do những “người khổng lồ” đứng đầu. Mình có “name” của họ đi vay ngân hàng rất dễ, là vật bảo hiểm cho doanh nghiệp.

Theo đó, TS Thành cho rằng doanh nghiệp vừa và nhỏ hãy học biết đứng trên vai của “người khổng lồ”. Cạnh tranh không loại trừ việc học kết nối trong một thế giới rất nhiều mạnh sản xuất, chuỗi giá trị, liên kết với công ty “đầu đàn”, tham gia chuỗi giá trị để tăng lợi thế nhờ quy mô, phát huy tốt hơn lợi thế so sánh, giảm phí tốn kết nối dịch vụ…

 

Huyền Trâm/ Bizlive.vn