clock

Văn Hóa

08:46 07-12-2015

Những cuốn sách “gối đầu giường” của doanh nhân Việt

Ông Vũ Minh Châu, Tổng giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu với cuốn "Đắc nhân tâm" của tác giả Dale Carnegie.

"Đắc nhân tâm", tên tiếng Anh là "How to Win Friends and Influence People" là một cuốn sách nhằm tự giúp bản thân (self-help) bán chạy nhất từ trước đến nay. Cuốn sách được xuất bản lần đầu vào năm 1936 và riêng bản tiếng Anh của nó đã bán được 15 triệu bản trên khắp thế giới. Đây cũng là cuốn sách được New York Times bình chọn là cuốn sách bán chạy nhất trong suốt 10 năm liền.

Tác phẩm được đánh giá là cuốn sách đầu tiên và hay nhất, có ảnh hưởng làm thay đổi cuộc đời của hàng triệu người trên thế giới.

"Đắc nhân tâm" không chỉ giới hạn là nghệ thuật thu phục lòng người, là làm cho tất cả mọi người yêu mến mình mà còn là chiếc gương phản chiếu để mỗi người tự hiểu rõ bản thân, thành thật với chính mình, sau đó bằng hiểu biết quan tâm đến những người xung quanh để nhìn ra và khơi gợi những tiềm năng ẩn khuất nơi họ, giúp họ phát triển lên một tầm cao mới. Đây cũng chính là nghệ thuật cao nhất về con người và chính là ý nghĩa sâu sắc nhất đúc kết từ những nguyên tắc vàng của Dale Carnegie.

Ông Đỗ Long, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tân (Bita’s) thích cuốn “Ngộ và Đạo” của tác giả Quách Thái (Đài Loan). 

Cuốn sách viết về Matsushita Konosuke, ông tổ ngành điện tử Nhật Bản và người khai sinh phương thức kinh doanh kiểu Nhật.

Matsushita Konosuke (1894-1989) sinh ra trong một gia đình làm nông nghiệp có bảy anh chị em. Chỉ học hết bậc tiểu học 4 năm, 9 tuổi Matsushita đã phải đi học việc để kiếm sống và nuôi gia đình. Năm 23 tuổi, Matsushita xin nghỉ việc ở công ty đèn điện Osaka để mở cửa hàng riêng.

Khởi nghiệp chỉ với hai bàn tay trắng và ý tưởng về chiếc đui đèn, thế mà chỉ hơn nửa thế kỷ sau, tập đoàn Matsushita (nay là tập đoàn Panasonic) do ông gây dựng đã trở thành một trong những tập đoàn điện tử đa quốc gia lớn nhất thế giới với doanh thu mỗi năm lên đến hàng chủ tỷ USD.

“Khi cầm cuốn sách lên, người ta dễ tưởng nhầm trong đó toàn những lời cao siêu, những phương thức kinh doanh và dùng người vô cùng phức tạp, nhưng ngạc nhiên thay, Matshushita Konosuke chỉ ‘tâm sự’ với người đọc bằng một ngôn từ cực kỳ đơn giản và dễ hiểu. Trong chưa đầy 200 trang giấy, ông đã chứng minh đầy thuyết phục rằng kinh doanh cũng là một nghệ thuật thậm chí còn mang tính nhân văn, chẳng kém gì các môn nghệ thuật khác như hội họa hay âm nhạc”, theo Amazon.

Ông Hoàng Khải, Chủ tịch Tập đoàn Khaisilk đặc biệt yêu thích những cuốn sách của Donald Trumph.

Ông Khải cho rằng, Donald Trump là một người đầu tư mạo hiểm, quyết đoán, nhìn xa trông rộng, không phụ thuộc vào xu thế của thời đại.

Donald John Trump là một nhà tư bản, nhà đầu tư, ngôi sao truyền hình và là một nhà văn người Mỹ. Ông là Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Trump Organization, một công ty phát triển bất động sản đặt trụ sở tại Mỹ và là người sáng lập ra Trump Entertainment Resorts, khu nghỉ dưỡng giải trí mang tên ông kinh doanh trong các lĩnh casino và khách sạn ở nhiều nơi trên thế giới.

Trong suốt sự nghiệp của mình, Donald Trump đã viết khá nhiều cuốn sách và phần lớn đều là những cuốn sách bán chạy, được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Trong đó, nổi tiếng nhất phải kể đến các cuốn: "Nghĩ như một tỷ phú", "Nghĩ như nhà vô địch", "Tại sao chúng tôi muốn bạn giàu?", "Tôi đã làm giàu như thế",...

Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành công ty cổ phần đầu tư U&I thích cuốn "Vì sao nước thịnh, nước suy" của hai tác giả James Robinson và Daron Acemoglu. 

Ông Tín cho rằng cuốn sách sẽ đem lại câu trả lời giải thích cho một số điều nhiều người tại Việt Nam đang đi tìm câu trả lời.

Trong cuốn sách hai tác giả James Robinson và Daron Acemoglu dựa vào khái niệm thể chế để giải thích vì sao có nước giàu lên lại có nước cứ lụi tàn.

Trong một thể chế mọi người xắn tay áo lên cùng nhau giải quyết các vấn đề của xã hội, cùng chia sẻ những lo toan, làm việc gì cũng vì lợi ích chung hay ít nhất là lợi ích của đại đa số, đất nước có một thể chế như thế sẽ hưng thịnh - hai tác giả gọi đó là thể chế dung nạp.

Ngược lại ở một đất nước nơi giới lãnh đạo cứ khăng khăng cho rằng mình sẽ lo được hết mọi chuyện, việc gì cũng để cho nhà nước lo, thực tế lại đưa ra những quyết sách có lợi cho một nhóm nhỏ trong một thể chế loại trừ, đất nước đó ắt sẽ suy vong.

Theo Bizlive