clock

Giáo Dục

13:00 10-12-2015

Nổi tiếng với CEO Microsoft, Google nhưng Ấn Độ lại đang gặp khủng hoảng về giáo dục

The Hindustan Times cũng chỉ ra sự suy giảm trong chất lượng giáo dục vì thiếu giảng viên có năng lực và thiếu nỗ lực của chính phủ cũng là một lý do tại sao ít sinh viên đến Ấn Độ du học.

Sundar Pichai, tân CEO Google.

Theo số liệu công bố của chính phủ Ấn Độ mới đây, số lượng sinh viên người Ấn sang Mỹ du học tăng 30% trong khi lượng sinh viên quốc tế tới Ấn Độ giảm mạnh.

Một bài báo của tạp chí The Times of India dẫn nguồn từ bộ Nội vụ cho thấy lượng sinh viên đến Ấn Độ từ các nước như Mỹ, Đức, Pháp, Hàn Quốc, Úc, Trung Quốc và Singapore giảm 73% từ con số 13.961 năm 2013 xuống còn 3.737 năm 2014.

Bài báo này cũng chỉ ra rằng con số này không chỉ giảm đối với những quốc gia có môi trường tốt hơn Ấn Độ mà ngay cả từ Afghanistan, Bangladesh và các quốc gia châu Phi cũng ngày càng ít du học sinh đến Ấn Độ du học.

Trong khi đó tạp chí DNA cho biết mối quan hệ thân thiện của thủ tướng Narendra Modi và tổng thống Barack Obama là một phần trong sự đột biến lớn về lượng sinh viên Ấn Độ du học tại Mỹ. Với tỷ lệ gần 30% là con số ấn tượng so với mức 6% của năm ngoái và sau 3 năm sụt giảm liên tục.

Trong thực tế, không chỉ có Mỹ, ngày càng nhiều sinh viên Ấn Độ đang tìm kiếm cách ra nước ngoài để học cao hơn. Theo một báo cáo của chính phủ, quốc gia này có sự nhảy vọt lớn về sinh viên du học khi năm 1995 chỉ với 39.626 sinh viên trong khi năm 2012 là 189.472 sinh viên.

Trong khi Mỹ vẫn là điểm đến hàng đầu với du học đại học thì Anh là điểm đến hấp dẫn thứ 2 của du học sinh Ấn Độ năm 2012.

Mối quan hệ hữu hảo giữa ông Modi và Obama và ngày càng nhiều người Ấn sang Mỹ du học là điều tốt nhưng lượng sinh viên đến Ấn Độ ngày càng giảm đặt ra thách thức và câu hỏi lớn về chất lượng giáo dục nước này.

Trong một bài viết tờ Hindustan Times chỉ ra, "một phần lý do có thể phải nhắc đến là tâm lý bất an, do các cuộc tấn công vào phụ nữ tại Ấn Độ khiến các bậc phụ huynh lo ngại khi gửi con cái họ du học tại đây.”

Một vấn đề phải đối mặt với những người đến từ các nước khác là phân biệt chủng tộc. Sinh viên Nam Sudan từng khiếu nại bộ trưởng Rajnath Singh về vấn đề này tại trường đại học quốc tế Pune hồi tháng 9 năm nay.

Singh từng lên tiếng kêu gọi tất cả sinh viên người Ấn tại Pune cũng như những trường khác trong đất nước không nên phân biệt đối xử với bất cứ ai và hãy xem họ như anh em của mình. Sự việc xảy ra là điều ông thấy rất đáng tiếc tại Ấn Độ.

The Hindustan Times cũng chỉ ra sự suy giảm trong chất lượng giáo dục vì thiếu giảng viên có năng lực và thiếu nỗ lực của chính phủ cũng là một lý do tại sao ít sinh viên đến Ấn Độ du học.

Điều này cũng có thể là một trong những lý do tại sao ngày càng nhiều sinh viên rời khỏi quốc gia này tìm kiếm nền giáo dục tốt hơn, một lý do khác là việc gia tăng tầng lớp trung lưu giàu có hơn và những khoản vay cho giáo dục ngày càng dễ tiếp cận hơn.

Tuy nhiên, một lý do khác cho sinh viên Ấn Độ ra nước ngoài để tìm được môi trường và cơ hội tốt hơn. Lý do này được Philip G Altbach chỉ ra trong một báo cáo năm 2014: "Không chỉ là các chương trình học và các tổ chức ở nước ngoài có uy tín hơn, họ còn có cơ sở vật chất tốt hơn, các phòng thí nghiệm và một nền văn hóa thuận lợi hơn trong nghiên cứu. Những giảng viên hàng đầu về các ngành dễ dàng tiếp cận hơn cũng như không khó để tham gia vào một phòng thí nghiệm, viện nghiên cứu.

Môi trường học tập tồn tại ở khắp nơi và mặc dù có thể thi thoảng có những trường hợp gặp phải phân biệt đối xử khi ở nước ngoài nhưng về tổng thể điều kiện học tập, nghiên cứu tốt hơn trong nước.” Những trường hợp thành công trên thế giới của người Ấn khi du học có thể kể đến như CEO Microsoft Satya Nadella hay CEO Google Sundar Pichai.

Những con số công bố phần nào vẽ ra bức tranh khá ảm đạm của hệ thống giáo dục Ấn Độ, giải pháp nhanh nhất mà chính phủ nước này có thể thực hiện trước mắt là thuê những giảng viên có chất lượng cao hơn, thành lập nhiều trường đại học, phòng thí nghiệm và nghiên cứu trên cả nước.

Thảo Nguyên/ Trí Thức Trẻ