clock

Thị Trường

08:40 01-07-2024

Nửa đầu 2024: Lộ diện tỉnh miền núi tăng trưởng cao nhất cả nước, gấp đôi TP HCM

Trong 6 tháng đầu năm 2024, TP HCM tăng trưởng 6,5%. Trong khi tỉnh này đạt tới 14,4%.

Hôm 29/6, Tổng cục Thống kê báo cáo tình hình nửa đầu năm 2024. Theo đó, GDP 6 tháng đạt 6,42%, trong khi con số này của nửa đầu 2023 là 3,72%.

Trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế 6 tháng, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,38%, đóng góp 5,96%.Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,51%, đóng góp 44,28%. Khu vực dịch vụ tăng 6,64%, đóng góp 49,76%.

Lãnh đạo Tổng cục Thống kê cho rằng đây là tín hiệu phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều bất ổn, tiềm ẩn rủi ro.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, trong nửa đầu 2024, TP HCM tăng trưởng 6,5%. Trong khi đó, Bắc Giang là tỉnh tăng trưởng dẫn đầu cả nước trong giai đoạn này, 14,4%.

Trong 6 tháng 2024, Bắc Giang tăng trưởng dẫn đầu cả nước.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Bắc Giang, ngành công nghiệp - xây dựng tăng 18,11%; dịch vụ tăng 6,42%; nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 1,82%; thuế sản phẩm tăng 10,59% so với cùng kỳ. Quy mô GRDP (giá hiện hành) đạt 96.058 tỷ đồng, bằng 45,3% kế hoạch.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng đầu năm tăng khá cao so cùng kỳ, ước tăng 26,45%, giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá hiện hành) ước đạt 315.145 tỷ đồng, bằng 47,3% kế hoạch, tăng 28% so cùng kỳ.

Sản xuất công nghiệp tại 10/10 huyện, thị xã, thành phố đều có tăng trưởng, trong đó một số địa phương có mức tăng cao như: Việt Yên 27,23%, Yên Dũng 18,36%, Hiệp Hòa 17,27%, thành phố Bắc Giang tăng 16,3%...

Giá trị sản xuất toàn ngành sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,81%, trong đó, ngành thủy sản tăng 5,04%, nông nghiệp tăng 1,54%, lâm nghiệp tăng 3,14%. Quy mô giá trị sản xuất toàn ngành (giá hiện hành) ước đạt khoảng 22.145 tỷ đồng, bằng 53,2% kế hoạch.

Ngành dịch vụ tiếp tục phục hồi, hầu hết các ngành đều có tăng trưởng. Giá trị sản xuất toàn ngành tăng 7,02%. Quy mô giá trị sản xuất toàn ngành (giá hiện hành) đạt 27.999 tỷ đồng, bằng 47,5% kế hoạch.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ 6 tháng ước đạt 32.581 tỷ đồng, tăng 16,4% so với cùng kỳ, đạt 50,9% kế hoạch. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 23,9 tỷ USD, tăng 21,3%, đạt 39,8% kế hoạch, trong đó xuất khẩu đạt 12,6 tỷ USD, tăng 22,58%, đạt 38,2% kế hoạch; nhập khẩu đạt 11,3 tỷ USD, tăng 22,04%, đạt 41,8% kế hoạch.

Trong 6 tháng 2024, thu hút đầu tư vốn FDI, Bắc Giang đứng thứ 7 cả nước và đứng đầu Vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

Theo đó, đến ngày 15/6/2024, toàn tỉnh thu hút được 1.300,8 triệu USD tổng vốn đầu tư quy đổi, bằng 88% so với cùng kỳ. Trong đó, cấp mới 15 dự án đầu tư trong nước với số vốn đăng ký đạt 9.506,22 tỷ đồng, gấp gần 5,3 lần cùng kỳ và 34 dự án FDI, vốn đăng ký đạt 238,8 triệu USD, tương đương 20,5% cùng kỳ; điều chỉnh tăng vốn cho 11 dự án đầu tư trong nước, vốn bổ sung đạt 2.169,91 tỷ đồng, gấp gần 2,2 lần và 35 dự án FDI, vốn đăng ký bổ sung đạt 584,69 triệu USD, gấp gần 3 lần cùng kỳ.

Vải thiều là một trong các đặc sản Bắc Giang.

Năm ngoái, tăng trưởng kinh tế Bắc Giang dẫn đầu cả nước

Trong cả năm 2023, Bắc Giang cũng có tăng trưởng cao nhất cả nước, 13,45%, với nhiều chỉ tiêu dẫn đầu các tỉnh thành.

Cũng theo UBND tỉnh Bắc Giang, tỉnh này thuộc khu vực Đông Bắc Việt Nam, nằm trên tuyến Hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài (thuộc Hành lang xuyên Á Nam Ninh - Singapore), tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thái Nguyên; liền kề “Tam giác kinh tế phát triển” Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Bắc Giang là tỉnh miền núi, nằm cách Thủ đô Hà Nội 50 km về phía Bắc. Tỉnh có 10 đơn vị hành chính cấp huyện gồm: Thành phố Bắc Giang, thị xã Việt Yên và 8 huyện, trong đó có 6 huyện miền núi (Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, Lạng Giang, Yên Dũng, Tân Yên), 1 huyện vùng cao (Sơn Động) và 2 huyện, thị xã trung du, đồng bằng (Hiệp Hòa, Việt Yên).

 

Dy Khoa