clock

CEO Việt

06:30 28-05-2019

Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT Bùi Quang Ngọc: Điều hành một dòng họ khó hơn cả lãnh đạo doanh nghiệp 2 tỷ đô

“Ở FPT, ai làm việc không tốt có thể bị khiển trách hoặc bãi miễn nhưng trong họ tộc thì không thể làm như thế. Mối quan hệ thân tình dòng họ đòi hỏi một cách ứng xử khác”.

Trong 2 ngày 25-26/5, gần 1.000 người con họ Bùi trên cả nước đã cùng nhau tham dự dự Hội nghị tổng kết 1 năm sau Đại hội III và thăm công trình xây dựng Nhà thờ Tổ họ Bùi tại Vĩnh Phúc.

Hội nghị cũng đã biểu quyết để thông qua các vấn đề liên quan đến việc xây dựng nhà thờ Tổ, ban hành điều lệ mới, bổ sung nhân sự trong ban điều hành. Ngoài ra, 2 ngày đặc biệt này cũng là cơ hội để mỗi người con họ Bùi nhìn lại những kết quả và hạn chế sau một năm đổi mới hoạt động cũng như thắp nén nhang thành kính nhớ ơn tổ tiên, nguồn cội.

Bên lề Hội nghị, PCT HĐQT, cựu CEO FPT, TS Bùi Quang Ngọc – Người đang nắm giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng họ Bùi Việt Nam (HĐHBVN) đã có nhiều chia sẻ rất tâm huyết.

"Ở doanh nghiệp làm sai là bãi miễn còn ở họ tộc, lãnh đạo phải quên ngay quyền hạn này"

Trước khi nắm giữ vai trò chủ chốt trong công tác điều hành HĐHBVN, TS Ngọc từng là Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc tập đoàn quy mô nghìn tỷ FPT. Năm 2005, ông được bầu chọn là một trong 10 lãnh đạo Công nghệ thông tin (CIO) xuất sắc nhất Đông Dương, xếp vào Top những người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam…

Là một nhà quản trị xuất sắc như thế nhưng đến khi lãnh đạo, điều hành công tác họ Bùi, ông Ngọc vẫn cảm thấy vướng phải nhiều khó khăn. TS Ngọc khẳng định, lãnh đạo một dòng họ còn khó hơn cả việc quản trị doanh nghiệp 2 tỷ đô. Công tác này khiến ông hao tốn nhiều tâm sức, suy nghĩ nhiều hơn với câu hỏi đầy trăn trở hằng đêm rằng: Làm thế nào để hoàn thành tốt hơn nữa công việc của mình, giúp họ Bùi ngày một lớn mạnh, phát triển thịnh vượng hơn?

"Ở FPT, ai làm không tốt, chưa vừa ý tôi hoặc vi phạm quy định gây ảnh hưởng xấu đến doanh nghiệp có thể bị nhắc nhở, khiển trách, phạt hoặc bãi miễn. Ở doanh nghiệp, người làm sếp có quyền ra lệnh nhưng ở họ tộc thì không thể như vậy. Mối quan hệ thân tình dòng họ đòi hỏi một cách ứng xử khác.

Cùng đóng vai trò là người lãnh đạo nhưng khi điều hành dòng họ, lãnh đạo cần rất nhiều sự tinh tế, tính trách nhiệm, sẵn sàng lắng nghe, phân tích, chia sẻ, thấu hiểu và động viên, khuyến khích các thành viên khác.

Bên cạnh đó, tâm tính lãnh đạo phải chan hòa, cởi mở, bình tĩnh nhưng vẫn không thể thiếu sự công bằng, quyết đoán, thẳng thắn, nói được làm được. Tất cả những điều đó đều là thử thách khiến tôi phải thích nghi, thay đổi".

TS Ngọc tâm sự, khi còn làm việc cho doanh nghiệp, dù FPT là tâm huyết cả đời thì công việc điều hành đơn vị này vẫn gắn liền ít nhiều với yếu tố mưu sinh. "Làm việc ở doanh nghiệp thì được trả lương còn ở dòng họ, chẳng có ai trả lương cho mình, thậm chí còn phải bỏ tiền túi đóng góp nhưng đó là công việc hoàn toàn tự nguyện, tự tâm".

TS Ngọc cho hay, khi tham gia lãnh đạo công tác dòng họ, mục tiêu lớn nhất của ông không vì gì khác ngoài khát vọng xây dựng Bùi tộc Việt Nam lớn mạnh, đoàn kết, giàu có và thịnh vượng. Công tác dòng họ không mang màu sắc chính trị nhưng lại là nền tảng quan trọng đóng góp vào việc xây dựng tình đoàn kết toàn dân tộc, bảo vệ, phát triển đất nước và phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn của người dân Việt Nam.

Để làm được điều này, cá nhân ông Ngọc và những người trong HĐHBVN vẫn đang nỗ lực từng ngày. "Lãnh đạo doanh nghiệp thì dễ hơn vì có những tiêu chí rõ ràng về lợi nhuận, doanh số, chất lượng sản phẩm, uy tín thương hiệu… còn ở dòng họ lại có nhiều tiêu chí khó hơn như mức độ gắn kết của tộc họ giữa các địa phương, việc lan tỏa tinh thần cống hiến, vấn đề gia tăng mức độ phong phú trong các hoạt động dòng họ… Những tiêu chí mới này khiến tôi luôn phải suy nghĩ để làm sao ngày càng làm tốt hơn công việc của mình".

Họ Bùi Việt Nam là một trong những dòng họ bản địa, đứng thứ 9 về mặt dân số lại từng có ít nhất 15 năm phát triển hoạt động cộng đồng. Tuy nhiên, vì công tác lãnh đạo còn yếu kém nên từng có giai đoạn, phong trào dòng họ đi xuống, nội bộ phân chia, thiếu tinh thần đoàn kết.

Từ sau Đại hội III (26/5/2018), với sự tâm huyết của HĐHB lãnh đạo mới, đặc biệt là cá nhân TS Bùi Quang Ngọc, phong trào hoạt động của CĐHBVN đã dần có nhiều khởi sắc và đạt được những kết quả tốt.

Chia sẻ về yếu tố quan trọng làm nên thành công này, TS Ngọc cho rằng, việc vạch ra mục tiêu rõ ràng, phù hợp với nguyện vọng số đông người con họ Bùi chính là "chiêu bài" then chốt giúp giải quyết bài toán khó.

"Ở doanh nghiệp hay dòng họ cũng như vậy, những mục tiêu chính đáng, phù hợp với mỗi người chính là động lực để họ cố gắng cống hiến nhiều hơn nữa giá trị của mình".

Không lãnh đạo dựa trên những lời nói suông

Dồn nhiều tâm huyết vào công tác dòng họ, TS Ngọc tâm niệm, muốn lãnh đạo tốt không thể chỉ dựa vào những lời nói suông. Ông cũng cho rằng, trong bất cứ việc gì, để khuyến khích mọi người đóng góp giá trị của mình vào hoạt động chung thì phải giải quyết hài hòa bài toán lợi ích và trách nhiệm.

Theo ông, nếu việc tham gia công tác họ tộc chỉ gắn liền với việc đóng góp, cống hiến thì không thể kích thích, khơi dậy tinh thần hướng về cội nguồn của người dân. Thay vào đó, hoạt động dòng họ tự nó phải trở thành điều hấp dẫn, thu hút mỗi người tự nguyện tham gia.

"Công tác dòng họ đem lại giá trị tinh thần rất lớn. Trước hết là mọi người gặp nhau, giao lưu, kết nối, có thêm bạn bè, đối tác làm ăn. Trong quá trình đó, họ cảm thấy hài lòng, hứng thú. Chính sự hài lòng, niềm vui ấy đã là điều rất đáng quý trong cuộc sống này rồi.

Thứ hai, ở các địa phương đã thành lập HĐHB thường có nhiều sinh hoạt chung bổ ích. Đơn cử như lớp học Micro MBA bồi dưỡng kiến thức làm giàu kéo dài 13 buổi với sự tham gia của gần 100 doanh nhân họ Bùi; việc phối hợp với Bệnh viện ĐH Y Hà Nội khám bệnh, phát thuốc miễn phí và trao học bổng cho trẻ em họ Bùi...

Ngoài ra, điều đáng mừng là ngày càng có nhiều người ý thức hơn về vấn đề dòng họ. Họ không chỉ đóng góp tri thức, công sức mà còn góp cả vật chất, tiền bạc… Tất cả những điều ấy chính là động lực lớn để HĐHBVN cố gắng nhiều hơn nữa".

Để làm tốt vai trò người lãnh đạo cũng như vì mục tiêu phát triển dòng họ, cá nhân TS Bùi Quang Ngọc đã quyên góp hơn 35 tỷ đồng. Ông cũng là người trực tiếp giảng dạy tại lớp học Micro MBA cho các doanh nhân họ Bùi và dành rất nhiều thời gian, công sức tham gia tổ chức các hoạt động khác. Tuy nhiên, khi chia sẻ về những điều ấy, TS Ngọc chỉ khiêm tốn nói rằng: "Thay vì làm từ thiện, giúp đỡ người khác thì mình đóng góp tiền bạc, công sức cho dòng họ. Đó cũng là một cách giúp đỡ nhưng với mục tiêu là hướng tới chính những người trong họ của mình trước".

Trong năm vừa qua (5/2018-5/2019), HĐHB Việt Nam đã gặt hái được những kết quả lớn đáng tự hào, làm được những việc mà trong suốt 14 năm qua kể từ khi thành lập Ban liên lạc lâm thời đến Đại hội I, II cũng chưa làm được, đó là:

- Công tác phát triển cộng đồng: 9 tỉnh đã tổ chức Đại hội, 6 tỉnh thành lập mới Ban liên lạc lâm thời, trên 10 huyện, TP trực thuộc tỉnh tổ chức Đại hội, gần 15 huyện thành lập mới Ban liên lạc lâm thời, thành lập CLB Nhà báo họ Bùi Việt Nam, củng cố kiện toàn hội Dâu Gái họ Bùi.

- Xây dựng Nhà thờ Tổ họ Bùi Việt Nam.

- Hỗ trợ giúp đỡ, phối hợp với các Ban liên lạc, HĐHB các tỉnh tổ chức dâng hương, cúng giỗ các viễn tổ, tu bổ lăng mộ và nơi thờ tự như: Lăng mộ Tướng công Bùi Thạch Đa, Bùi Thạch Đê ở Phú Thọ; lặng mộ Quận công Bùi Đình Chấn ở Kim Thành, Hải Dương; tổ chức Giỗ Trấn Quốc Công Bùi Tá Hán ở Quảng Ngãi 450 năm; Giỗ Trinh Quốc Công Bùi Quang Dũng ở Thái Bình 1.000 năm…

- Thành lập Quỹ Khuyến học, Khuyến tài và tổ chức Lễ vinh danh.

- Mở khóa học Micro MBA bồi dưỡng kiến thức làm giàu cho các doanh nhân họ Bùi

-HĐHBVN phối hợp với Bệnh viện Đại học Y Hà Nội tổ chức khám bệnh, phát thuốc miễn phí và trao học bổng cho trẻ em họ Bùi.

- Tổ chức Hội thảo Vai trò các dòng họ, chi họ trong CĐHBVN

- Tổ chức Lễ Giỗ tổ họ Bùi việt Nam.

 

theo Nhịp sống kinh tế