Thị Trường
14:33 10-11-2015Sợ thực phẩm bẩn, người dùng tìm mua hàng thải độc xách tay
Lo ngại nguồn thực phẩm hàng ngày không đảm bảo an toàn, nhiều người tiêu dùng chi mỗi tháng vài trăm nghìn đồng cho thuốc, thực phẩm chức năng thải độc xách tay.
Nửa năm nay, gia đình chị Trần Thu Hiền (Đặng Thùy Trâm, quận Cầu Giấy, Hà Nội) bổ sung thêm "quỹ thải độc" (detox) vào ngân sách chi tiêu hàng tháng. Mỗi tháng, 4 người nhà chị dùng hết một hộp thực phẩm chức năng thải độc gan đặt mua từ Úc với giá 680.000 đồng/hộp.
"680.000 đồng/tháng, nhân lên cả năm cũng gần chục triệu đồng, nhưng bù lại, tôi cảm thấy yên tâm hơn về sức khỏe cho cả nhà", chị chia sẻ.
Được hỏi vì sao không đầu tư mua thực phẩm sạch để vừa được ăn ngon, an toàn lại đỡ tốn chi phí thuốc thang, Thu Hiền trả lời, do chị không chắc chắn 100% các loại thực phẩm ăn vào hàng ngày có sạch hay không.
Cùng quan điểm trên, anh Phạm Tuấn Ngọc (Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cũng cho biết: "Muốn ăn rau sạch, tôi có thể tự trồng. Để có gạo sạch, tôi mua lại của người nhà ở quê. Nhưng còn các loại thịt bò, lợn, gà, cá..., tôi không thể tự cung tự cấp hết được. Mà giờ ra chợ mua thực phẩm, nói thật, tôi cảm thấy không an toàn".
Trừ 2 con dưới 10 tuổi, còn nhỏ nên không thể dùng thuốc thải độc, vợ chồng anh Ngọc đã duy trì việc uống thuốc thải độc cơ thể gần một năm nay. Anh chọn đặt hàng từ Mỹ qua kênh tin cậy với chi phí trung bình khoảng 300.000 đồng/người/tháng.
Chị Minh Chi, vợ anh, do tiếc khoản tiền hơn 600.000 đồng phải bỏ ra mỗi tháng để thải độc, đã gợi ý chồng tự chế dung dịch thải độc từ các loại rau, củ, quả theo tài liệu hướng dẫn trên mạng. Tuy nhiên, với lý do "nguyên liệu củ quả mua về từ chợ chắc gì đã an toàn", chị bị chồng phản đối.
Dựa trên tâm lý ngày càng nhiều người tiêu dùng trong nước lo sợ bị thực phẩm kém an toàn bủa vây, nhiều đại lý thuốc, thực phẩm chức năng đẩy mạnh quảng cáo cho các dòng sản phẩm thải độc. Nhờ thông điệp quảng cáo đánh trúng tâm lý người tiêu dùng, tìm hiểu qua nhiều đầu mối nhận vận chuyển hàng xách tay, lượng khách chọn mua các sản phẩm thải độc ngoại bằng đường tiểu ngạch đang tăng.
"Trước kia, nhà tôi nhận trung bình khoảng trên dưới 30 đơn đặt hàng thực phẩm chức năng mỗi ngày, trong đó có khoảng 5-7 đơn đặt hàng thải độc. Tuy nhiên, hiện lượng khách đặt sản phẩm thải độc tăng nhanh, thời gian này đã chiếm 1/2 tổng lượng đơn hàng", chị Lê Quý Vi, mối buôn hàng xách tay tại quận Gò Vấp (TP HCM) cho biết.
Chị Vi chia sẻ, phần lớn khách hàng đặt các sản phẩm cao cấp từ Australia, Mỹ và bình dân hơn là Nhật Bản. Các loại thực phẩm chức năng thải độc có thể bán đơn lẻ hoặc đi theo bộ kết hợp nhiều mục đích như cao dán thải độc, trà, viên uống, mặt nạ thải độc da... Do vậy, giá mỗi sản phẩm cũng chênh lệch khá lớn. Nếu mua theo bộ, một bộ sản phẩm thải độc từ Mỹ hay Úc giá có thể lên tới 2-3 triệu đồng. Còn với sản phẩm đơn lẻ, giá trung bình khoảng 500.000-1 triệu đồng đủ dùng một tháng.
Tuy không ít khách hàng đầu tư số tiền lớn để mua thuốc thải độc nhưng theo chia sẻ của chủ mối vận chuyển hàng xách tay Đinh Cẩm Tú (quận I, TP HCM), không phải sản phẩm ngoại nào cũng tốt. "Có loại viên uống thải độc từ Mỹ giá khá cao, được nhiều khách đặt mua nhưng thực tế, tôi thấy họ đặt vì nghe quảng cáo hơn là vì công dụng thực tế", chị Tú nói.
Theo phản hồi của đa số khách với chị, dòng sản phẩm này không giúp cải thiện sức khỏe nhiều như mong đợi của khách hàng hay quảng cáo từ nhà sản xuất.
Nhận xét về các sản phẩm thuốc và thực phẩm chức năng về thị trường theo đường tiểu ngạch, dược sĩ Nguyễn Hạnh Thủy (ĐH Dược Hà Nội, đang tu nghiệp tại Hàn Quốc) cho biết, đây là nhóm hàng rất khó kiểm soát về giá cả, chất lượng và ẩn chứa nhiều nguy cơ.
"Trước khi dùng các sản phẩm thải độc, nhất là hàng xách tay, người dùng nên tham khảo kỹ từ nguồn tài liệu chính thống của nhà sản xuất. Ngay cả thuốc thải độc hay thuốc bổ, cũng phải tùy theo thể trạng mỗi cá nhân mới đưa ra được loại sản phẩm và liều lượng phù hợp", chị Thủy nói.
Nữ dược sĩ đưa ra lời khuyên, trên thực tế, người dùng thuốc nên lựa chọn các dòng dược phẩm đã qua kiểm định của cơ quan quản lý chức năng để tránh hàng giả, hàng nhái, đảm bảo tính hiệu quả, an toàn và cả kinh tế.
Tin liên quan
- Chuyên gia: "Mua vàng và hãy chờ xem những thay đổi bất ngờ có thể xảy ra trong năm 2025"
- Honda và Nissan: Bi hài cảnh 2 biểu tượng ô tô Nhật Bản phải dẹp bỏ mối thâm thù suốt 70 năm, bắt tay làm đồng minh để đấu với xe điện giá rẻ Trung Quốc và Toyota
- Thị trường 300.000 ô tô điện và 1 triệu xe máy điện của Việt Nam năm 2025: VinFast có một lợi thế áp đảo
- 5G sẽ đóng góp 900 tỷ USD cho kinh tế toàn cầu, Việt Nam thăng hạng 8 bậc khi có mạng 5G đầu tiên