clock

Thị Trường

10:28 08-10-2024

Startup vượt khó từ cậu bé nghỉ học đi chăn bò lên làm ông chủ chuỗi tinh dầu thu hàng chục tỷ đồng/năm

Xuất thân là một trẻ mồ côi, một người nông dân quê Hà Tĩnh, anh Chu Văn Nam đã vươn lên trở thành chủ doanh nghiệp tinh dầu với doanh thu hàng chục tỷ đồng một năm.

Xuất hiện tại Shark Tank mùa 7, anh Chu Văn Nam Founder kiêm CEO của Nada Oils muốn gọi vốn 8 tỷ đồng cho 20% cổ phần.

Khác với rất nhiều câu chuyện khởi nghiệp, anh Chu Văn Nam từng có tuổi thơ vất vả, phải nghỉ học đi chăn bò. Sau này, anh “bén duyên” và gây dựng nên doanh nghiệp tinh dầu Nada nhờ đi làm thuê và được chị chủ để lại cho 2 cửa hàng tinh dầu.

Tuy nhiên, nhận thấy mô hình không thể lớn lên, anh bán đi 2 cửa hàng để tạo ra một hệ thống, một công ty bài bản. Năm 2017, Nada Oils ra đời. Công ty này chuyên sản xuất, phân phối các loại tinh dầu, với nguồn nguyên liệu nhập khẩu và nguyên liệu tại hai xưởng ở Đắk Lắk và Đắk Nông sản xuất về sả, gừng, cam, bưởi.

 
Chu Văn Nam Founder kiêm CEO của Nada Oils.

Doanh thu của công ty trong những năm từ 2019 đến 2022 khá cao trung bình 8 tỷ mỗi tháng. Hiện tại, Nada có 36 quầy bán hàng, trong đó 20 quầy là trực tiếp của anh Nam, 16 quầy còn lại là của các đại lý và nhượng quyền. Tất cả các quầy kinh doanh đều có lãi.

Nhận thấy mô hình bán trực tiếp cho khách hàng tại quầy không còn hiệu quả, anh Nam mở rộng kinh doanh sang mô hình B2B (giao dịch trực tiếp giữa doanh nghiệp và doanh nghiệp), nhắm vào khách hàng như khách sạn, nhà hàng, spa... có nhu cầu sử dụng sản phẩm tinh dầu.

Về tình hình kinh doanh, từ đầu năm đến tháng 8/2024, doanh nghiệp đạt 3,7 tỷ đồng/ tháng cho cả 2 kênh, lợi nhuận sau thuế 12% do mới chuyển qua mô hình B2B phải đầu tư máy cho khách hàng mượn.

Năm 2023 tổng doanh thu cả năm gần 40 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2024, tổng doanh thu 27 tỷ, doanh thu mỗi cửa hàng trung bình khoảng 60 đến 80 triệu một tháng. Lợi nhuận năm 2024 tính đến tháng 8 là 3 tỷ, cả năm dự kiến đạt 6 tỷ đồng.

Về cách thức sử dụng nguồn vốn, anh Nam cho biết dùng để phát triển kênh online D2C (sử dụng các kênh bán hàng trực tuyến như website, ứng dụng di động, mạng xã hội), mua máy để tài trợ khách hàng sử dụng và phát triển vùng nguyên liệu.

Shark Bình nhận định thị trường này là “đại dương xanh” - nghĩa là nhu cầu giải pháp mùi hương ở các văn phòng vẫn còn rất lớn", chỉ cần doanh nghiệp bán hàng tốt, chăm sóc khách hàng khỏe thì  sẽ tăng được thị phần.

 
Shark Bình nhận định tiềm năng của thị trường tinh dầu còn rất lớn.
Để ra quyết định, Shark Tillman Schulz đặt câu hỏi lý do startup thuyết phục các Shark đầu tư.  Anh Chu Văn Nam chia sẻ, Việt Nam là mỏ vàng xanh về tinh dầu, có rất nhiều nguyên liệu tinh dầu, nhiều dược liệu, thảo dược quý nên mong muốn đem tinh dầu của người Việt ra thế giới, xuất khẩu nguyên liệu tinh dầu, và tin là có con đường.

Sau chia sẻ của Founder, Shark Tillman Schulz: “Đầu tiên tôi có lời khen cho sự cố gắng của bạn, từ một nông dân trở thành chủ doanh nghiệp như thế này. Một câu chuyện rất là tuyệt vời” .

Nhưng vị CEO tập đoàn MDS (Đức) cho rằng startup khó có cơ hội xuất khẩu sang các nước phương Tây cũng như các nước châu Á khác, vì vậy, khuyên startup hãy tập trung vào thị trường nội địa.

Ông cho rằng startup cần một hệ sinh thái tốt có nghĩa là cần một trong 4 Shark ở đây và quyết định không đầu tư.

Ở phương diện khác, Shark Lê Mỹ Nga cho rằng Nada Oils đang lệ thuộc quá nhiều về nguyên vật liệu, chưa có chủ động trong việc chiết xuất, tinh chế từ các nguyên vật liệu Việt Nam đó là lý do tại sao giá thành cao hơn vì nhập khẩu mà chưa làm chủ được sản xuất.

Đồng thời cho biết đây không phải là khẩu vị đầu tư của Shark, nếu có các Shark khác đầu tư thì có thể share deal, cùng tham gia hỗ trợ Founder trong việc chuẩn hóa theo tiêu chuẩn châu Âu để tìm ra được giá trị để chinh phục, cạnh tranh thị trường.

Tiếp tục dành lời khen cho câu chuyện khởi nghiệp của Founder, Shark Nguyễn Phi Vân chia sẻ:" hị nghĩ em là một hình mẫu cho rất nhiều bạn trẻ nông thôn Việt Nam noi theo, rất là cố gắng, kiên định, chăm chỉ để làm được những cái gì em có ngày hôm nay, một mô hình mang tính thương mại dịch vụ, và nó cần sự chăm chỉ tìm khách hàng, chăm sóc khách hàng.  Chăm chỉ như thế thì em sẽ vẫn có hiệu quả về mặt kinh tế tuy nhiên để scale (nhân rộng) lên như cái cách mà chị mong muốn qua nhượng quyền đi được ra thế giới thì chị chưa nhìn thấy khả năng đó” .

Shark Vân quyết định không đầu tư nhưng chỉ cho Founder một cách để có hiệu quả kinh tế và hiệu quả quản trị tốt hơn không cần đội ngũ CS đông đảo thông qua mô hình job franchise (nhượng quyền công việc).

Như hầu hết các Shark trước đó, Shark Bình đưa ra những cách thức marketing phù hợp với startup như việc vừa bán trên các sàn vừa bán trên các mạng xã hội bằng các chương trình livestream thuê các KOL review làm các video clip đặc biệt là về chủ đề gia đình.

Với văn phòng thì có thể chạy một chương trình giải cứu toilet. Với gia đình thì chiến dịch “nhà sạch thì mát bắt sạch ngon cơm mà nhà thơm thì thích” nhắm vào đối tượng phụ nữ… và đề nghị đầu tư 8 tỷ đồng cho 35% cổ phần cùng sự tham gia về mặt hình ảnh gia đình, các ý tưởng online marketing, về D2C thúc đẩy các kênh bán hàng online, hỗ trợ kênh các kênh B2B.

Cuối phiên gọi vốn, Founder đồng ý deal của Shark Bình 8 tỷ đồng cho 35% cổ phần vì Shark Bình có hệ sinh thái bán hàng online mạnh mẽ.

 

H.Linh