clock

Giáo Dục

11:57 15-09-2015

Tổng biên tập NXB Trẻ: Sách là người

Cách đây 5 năm, khi cái tên kế nhiệm TS. Quách Thu Nguyệt vào vai trò Giám đốc kiêm Tổng biên tập Nhà xuất bản (NXB) Trẻ được tiết lộ, rất nhiều người trong giới không mấy hy vọng. Bởi ngoài tình yêu dành cho sách, Nguyễn Minh Nhựt không hề có kinh nghiệm về làm sách, kinh doanh sách, và

Bước qua nỗi sợ

Tháng 9/2007, khi đang là Ủy viên Ban Thường vụ Thành đoàn, Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa, Nguyễn Minh Nhựt được điều về Báo Tuổi Trẻ làm công việc trị sự. Hai năm sau, ông được điều động về công tác tại NXB Trẻ với chức vụ Giám đốc kiêm Tổng biên tập. Với Nguyễn Minh Nhựt, đó là một quyết định điều động gây bất ngờ đến mức khiến ông lo sợ, vì ông... chưa làm sách bao giờ.

* Từ một cán bộ năng nổ của Thành đoàn, lui về lo chuyện trị sự của Báo Tuổi Trẻ, đến giám đốc một NXB, hành trình ấy, với ông, hình như là duyên phận...

- Đúng là duyên phận. Duyên phận đã đưa tôi từ một người tập tành làm chính trị bước sang ngành báo chí và xuất bản. Khi về Báo Tuổi Trẻ, công việc không nhiều và tôi luôn làm tròn nhiệm vụ. Tánh tôi không câu nệ việc nhiều hay ít, chức vụ to hay nhỏ, nhưng đã nhận việc gì thì phải làm hết mình. Hai chữ tôi thích nhất là "tri túc".

Lúc mới về Báo, tôi có viết vài ba tin với bút danh Tri Túc. Do "tri túc" nên tôi an phận làm trị sự và phụ trách mảng công tác xã hội ở Báo vì thấy mình có khả năng làm tốt hai công việc này. Rồi duyên phận lại đưa tôi về NXB. Tôi về đó với sự lo lắng, sợ hãi sẽ không làm tròn trọng trách được giao, và tự nhủ dù thế nào cũng sẽ làm hết mình, còn nếu làm không nổi sẽ xin từ chức.

* Qua những gì đã trải nghiệm, ông có thấy "người tính không bằng trời tính"? Làm việc trong môi trường còn phải cải tiến liên tục như các tổ chức, doanh nghiệp nhà nước..., theo ông, mình nên "tính" hay cứ để dòng đời đẩy đưa?

- Tôi là người tin theo duyên phận, nhưng không thể đổ cho duyên phận mà không nỗ lực. Bắt tay vào làm việc thì phải đối mặt với thực tiễn, phải lắng nghe đồng nghiệp, khách hàng, đối tác, tác giả, dịch giả, bạn đọc... và cả chính mình để hành động theo quy luật và phù hợp với thực tiễn. Do vậy, nhiều khi mình tính mà lại như không tính, hoặc không tính mà giống như tính (cười).

* Trở lại chuyện NXB, với một người nghiện đọc sách từ nhỏ như ông, việc đón nhận quyết định về điều hành một NXB chắc không tránh khỏi đấu tranh nội tâm?

- Tôi mê sách từ nhỏ nhưng chưa bao giờ làm sách. Ngành nghề tôi được đào tạo cũng không phải để làm báo chí, xuất bản hay quản lý báo chí xuất bản. Từ nhỏ tới lớn, tôi chưa bao giờ dám mơ có một ngày mình được làm sách, chứ đừng nói đến lãnh đạo một NXB có uy tín như NXB Trẻ.

Tôi đón nhận quyết định về NXB với tâm trạng vui mừng và đầy sợ hãi. Tôi sợ vì tôi, vì sự yếu kém của tôi mà làm ảnh hưởng đến NXB, đến sự nghiệp hơn 30 năm mà các anh chị đi trước đã dày công xây dựng.

* Chiến thắng sự sợ hãi bằng những dự án táo bạo về sách như đưa ra dòng sách giá rẻ, cầm tay để tuyên chiến với sách lậu, đưa sách Việt "xuất khẩu" sang nước ngoài, nhanh nhạy với phát triển ebook..., những quyết định này nằm trong kế hoạch công việc hay ông từng ước mơ khi chỉ đơn thuần là một người nghiện sách?

- Người ta thường nói nghề dạy nghề. Tôi như một người học việc bước vào làng sách. Đồng nghiệp dạy tôi, các anh chị trong làng sách dạy tôi, công việc dạy tôi. Những dự án trên là công sức của một tập thể, không phải của riêng tôi. Tôi chỉ là người biết dựa vào tập thể để không cản trở sự phát triển tự thân của NXB.

* Nhiều người ví von Nguyễn Minh Nhựt làm sách như cá về với nước, được thỏa chí bơi lội. Ông nhận xét gì về so sánh này?

- Tôi rất xúc động và cám ơn nhận xét này. Đây là đánh giá có tính động viên và ưu ái tôi. Nó giúp tôi tự tin và phải cố gắng nhiều hơn nữa thì mới thật sự đúng với nhận xét này. Tự đáy lòng mình, tôi rất biết ơn trước một nhận xét đầy chiếu cố và ưu ái như thế.

* Nếu được "khoe", ông sẽ khoe điều gì NXB Trẻ làm được dưới "triều đại" của Nguyễn Minh Nhựt?

- Tôi xin nói ngay là chưa có "triều đại" nào của tôi dù cho trong dấu ngoặc kép. Nếu được phép khoe thì tôi sẽ khoe rằng: Vẫn còn NXB Trẻ sau 5 năm tôi điều hành. Thế thôi. Mọi thứ còn ở phía trước.

Nhờ "thau" mà "vàng" càng quý

Ba mươi hai năm đồng hành với bạn đọc, NXB Trẻ đã xuất bản trên 26.500 đầu sách của các tác giả trong và ngoài nước, với gần 200 triệu bản in, trong đó có hơn 16.000 đầu sách do NXB tự khai thác và phát hành.

Đây cũng là NXB sở hữu nhiều kỷ lục "đầu tiên" như: NXB đầu tiên trong cả nước có sách điện tử; NXB đầu tiên thực hiện sách liên kết; NXB đầu tiên thực hiện việc ghi biên mục trước xuất bản trên các ấn phẩm..., điều này thể hiện sự nhanh nhạy của đội ngũ lãnh đạo NXB Trẻ.

* Thị trường sách đang khá sôi động nhưng hình như vẫn là cuộc chơi của các công ty văn hóa tư nhân, nhiều NXB không có nổi doanh thu. Những NXB Việt Nam, tất nhiên trừ một vài cái tên như Trẻ, Kim Đồng...,vẫn còn đang say giấc ngủ bao cấp chăng, thưa ông?

- Nếu nói về thị trường thì đúng là như vậy. Số liệu hằng năm cũng đã cho thấy có khoảng 70% sách trên thị trường là do các anh chị ở các công ty truyền thông văn hóa liên kết xuất bản.

Các NXB có những khó khăn riêng của từng đơn vị, tôi không nghĩ họ còn đang say giấc ngủ bao cấp. Nói như thế thì hơi nặng nề và không đúng. Tôi biết nhiều đơn vị đã rất nỗ lực nhưng cũng gặp nhiều khó khăn.

* Với tình hình này thì việc các NXB ấy "tỉnh giấc" chắc là một tương lai xa?

- Phận tôi vừa nhỏ tuổi, vừa là hậu sinh của làng sách do mới vào nghề, nên tự thấy không đủ tư cách để có thể tiên liệu tương lai của ngành. Tôi nghĩ ai cũng muốn mình ngày một khá hơn, phát triển hơn, và cũng chỉ tự mình tìm ra những giải pháp phù hợp nhất với mình vì không ai hiểu mình bằng mình.

Do vậy, các NXB khác cũng đang làm hết sức để phát triển. Tôi đã cảm nhận được "hơi thở cạnh tranh" và cũng đã thấy có nhiều đơn vị đang chạy trước chúng tôi.

* Dẫu rằng cũng có những người trẻ bán đất để làm sách, cầm nhà để theo đuổi việc xuất bản sách nhưng việc tham gia nhiệt tình của các đơn vị làm sách tư nhân cho thấy lợi nhuận mà thị trường này mang lại cho doanh nghiệp vẫn tốt chứ?

- Chừng nào con người còn hướng thượng, còn khát khao vươn đến sự hoàn thiện của bản thân thì họ còn tìm đến sách. Do đó, sách đàng hoàng luôn có cơ hội và sống được.

Nhưng theo hiểu biết hạn hẹp của mình, có thể là chưa chính xác, tôi thấy mấy ngàn năm qua của lịch sử loài người hình như chưa có ai làm sách mà trở thành đại tỷ phú. Tóm lại, làm sách đàng hoàng thì sẽ sống được. Nếu muốn giàu, xin làm nghề khác. Tôi nghĩ như vậy không biết có đúng không?

- Sách là bạn của con người. Sách cũng là hàng hóa nhưng là hàng hóa đặc biệt. Ở một góc độ nào đó, ta cũng có thể nói người nào sách đó. Ta có thể đánh giá được phần nào một con người qua cách chọn sách của người đó.

Do vậy, người đọc, trong đó có tôi, phải tự chịu trách nhiệm về sự lựa chọn sách của mình. Vàng thau lẫn lộn mới là xã hội, mới là cuộc sống. Nhờ thau mà vàng mới quý. Sách mình đọc thì mình phải chọn, có ai ép mình được đâu (cười).

* Vấn đề chọn bản quyền sách để mua của NXB Trẻ thì sao? Có đầu sách nào NXB để cán cân giữa việc bán sách và nội dung sách bị lệch? Ông luôn đọc hết bản thảo của NXB Trẻ chứ?

- Điều bất biến trong việc chọn sách của NXB Trẻ là sách đó có hay, có đáng đọc, đáng phục vụ độc giả hay không. Việc bán được chỉ có tính chất quan trọng mà thôi. Sách hay thì sớm muộn gì cũng bán được. Thực tiễn hơn 33 năm của NXB Trẻ đã minh chứng điều này.

Với khoảng 1.500 tựa/năm, trong đó có hơn 500 tựa mới/năm, thú thật là tôi không thể đọc hết tất cả bản thảo. Nhưng gần như sớm hay muộn gì tôi cũng đọc gần hết các sách mà NXB chúng tôi làm và tôi chịu trách nhiệm, kể cả sách A lẫn sách B (sách liên kết).

Đọc như là một nhu cầu tự thân hằng ngày của tôi, như ăn cơm uống nước vậy. Tôi đọc không phải với tư cách Giám đốc - Tổng biên tập của một NXB, mà đọc và góp ý kiến với tư cách một người đọc.

Tôi có một nguyên tắc: Không bao giờ có ý kiến về bất cứ cuốn sách nào mình chưa đọc. Đồng nghiệp quý tôi, trọng tôi về điều này vì biết sách đã làm ra thì sớm hay muộn gì tôi cũng đọc. Tôi thường tự trào rằng người khác phải mất tiền để đọc sách, còn tôi được xã hội trả tiền cho đọc sách!

* Trong xu hướng "nhập khẩu" sách mạnh mẽ như hiện nay, hình như NXB Trẻ là đơn vị rất ưu ái văn học nghệ thuật nước nhà?

- Đối với chúng tôi, sách trong nước là quyết định, sách nước ngoài chỉ là quan trọng mà thôi. Giải quyết tốt và hài hòa mối quan hệ giữa "quyết định" và "quan trọng" là chuyện chúng tôi xử lý mỗi ngày.

Chúng tôi rất thiết tha và cảm thấy rất vinh dự nếu được xuất bản các tác phẩm có giá trị của các tác giả người Việt. Tôi nói người Việt vì người Việt hiện không chỉ sống trong nước. Chúng tôi nghĩ rằng mình có đủ lòng thành và sự tôn trọng để biết có thể in được bản thảo nào và chưa in được bản thảo nào.

* Lợi thế của NXB Trẻ là thương hiệu không bị "định danh" vào một lĩnh vực sách nào cả. Nhưng bao hàm quá nhiều lĩnh vực cũng rất dễ dẫn đến việc khó kiểm soát?

- Dễ hay khó kiểm soát là tùy theo quan niệm của từng người. Thế nhưng tại sao phải kiểm soát? Nếu nói chuyện kiểm soát thì quan điểm của chúng tôi là kiểm soát mà không kiểm soát, không kiểm soát mà là kiểm soát. Cụ thể là, mặc dù làm nhiều sách nhưng chúng tôi tôn trọng và công bằng với từng quyển sách.

Với chúng tôi, mọi quyển sách đều quý như nhau. Và chúng tôi làm từng quyển sách với sự tôn trọng và danh dự nghề nghiệp, như sự trả ơn cuộc đời vì cuộc đời đã cho chúng tôi làm nghề này.

Tôi thường nói với đồng nghiệp: "Các anh chị đừng đối diện với tôi khi làm sách, mà hãy đối diện với bạn đọc các thế hệ”. Chúng tôi đã, đang và sẽ cố gắng làm như thế thì cần gì phải kiểm soát khi mình yêu thương và tôn trọng từng quyển sách.

* Có vẻ như ông rất tự hào về nguồn nhân lực đang cống hiến cho NXB Trẻ?

- Tài sản lớn nhất của NXB Trẻ là con người và bản thảo. Bản thảo có được là do con người. Chừng nào những con người ở NXB Trẻ chúng tôi còn khát vọng, còn tự trọng thì NXB còn hy vọng.

* Như đã nói ở trên, NXB Trẻ có khá nhiều cái "đầu tiên", sắp tới sẽ có thêm cái "đầu tiên" nào nữa không?

- Tôi cũng không biết sắp tới sẽ có thêm cái gì "đầu tiên" nữa không vì tôi thật sự không quan tâm đến điều này. Hiệu quả quan trọng hơn nhiều so với danh tiếng hão. Thực tiễn cuộc sống buộc chúng tôi phải đổi mới trên nền móng cũ. Cái gì đủ duyên thì đến.

Người cha, người bạn, người hướng dẫn

Theo Nguyễn Minh Nhựt trên Facebook rất dễ "mỏi chân" vì anh cứ rong ruổi suốt. Lịch bay, lịch gặp gỡ "chiến hữu" của ông dường như được cập nhật đầy đủ trên mạng xã hội. Sự cởi mở, trọng bạn bè và phóng khoáng mang đến cho ông bè bạn bốn phương đông đảo. Nguyễn Minh Nhựt đem sự phóng khoáng ấy vào cả mái ấm của mình...

* Việc thì nhiều nhưng hễ có dịp là ông lại "vác balô lên và đi"?

- Tôi là người thích đi, nghe, thấy và cảm nhận cuộc sống theo cách riêng của mình.

* Trên hành trình của mình, dường như ông luôn "đính kèm" vợ, con? Ông yêu con đến mức không muốn rời các con ngay cả trong những chuyến đi?

- Vợ tôi do điều kiện công việc nên có thiệt thòi là ít được đi đây đó, vì vậy, khi có dịp là cả nhà cùng đi. Về phần các con, tôi muốn chúng tự tìm các bài học cho riêng mình. Tôi muốn các con tôi trực tiếp thấy được nhiều cảnh đẹp, nhiều điều hay và cả những cảnh đời khó khăn để sau này cố mà làm người cho ngay ngắn.

Tôi là người cha, người bạn, người hướng dẫn..., còn bài học thì các con phải tự tìm. Tôi không mong con mình giỏi giang, chỉ mong các con an lành và ngay ngắn làm người.

* Vẫn nhớ câu chuyện ông nhặt nón cho con trong chuyến tham quan mới đây. Ông có thể chia sẻ thêm cảm xúc của mình?

- Lần đó chúng tôi tham quan động Thiên Đường, con gái nhỏ của tôi đánh rơi cái nón mà con yêu thích. Tôi đọc được trong mắt con sự luyến tiếc và chịu đựng vì bình thường tôi hay dạy các con phải tự chịu trách nhiệm về những việc làm của mình. Trong trường hợp này là nón của con, con giữ.

Con đánh rơi thì con chịu. Chính vì hiểu rõ điều này nên con gái không dám nói mà chỉ rưng rưng luyến tiếc. Tôi biết con đã hiểu chuyện nên nằm bò xuống nền sàn ẩm ướt mà nhặt nón cho con. Không ngờ chuyện đó làm con ấn tượng và xúc động.

Khi về nhà, vợ tôi hỏi đi Quảng Bình và Huế, chuyện gì làm con nhớ nhất thì con gái nhỏ nói chuyện cha nhặt nón cho con làm con nhớ nhất. Nhờ câu chuyện này, tôi học thêm được bài học: Đôi khi tình thương còn tốt hơn kỷ luật.

* Có câu "Cha làm thầy, con đốt sách", xin phép hỏi đùa ông: Cha làm sách thì con thế nào?

- Tương lai còn ở phía trước, tôi không dám nói. Hiện tại thì may thay, hai con tôi đều mê sách như tôi. Tôi để con tự chọn sách và qua cách chọn sách của từng đứa, tôi hiểu được phần nào suy nghĩ của con để có thể cùng con trưởng thành.

* Mê cờ như mê sách nhưng thời gian vừa qua, ông chỉ tập trung vào sách. Có vẻ như công việc đã chiếm hết thời gian ông dành cho những đam mê khác?

- Tôi biết mình là người non nghề nên phải cố gắng. Chưa biết thành bại thế nào nên sớm tối gì cũng phải lo cho công việc trước đã, vậy nên đành phải gác lại một số thú vui. Đời sống mà, được cái này thì phải mất cái khác thôi.

* Cảm ơn ông về những chia sẻ!

 

PHƯƠNG QUYÊN/ DNSG