clock

Thị Trường

09:39 05-10-2024

Từng cấm TikTok Shop, nước ASEAN tiếp tục cấm thêm một sàn thương mại điện tử

Lý do được đưa ra là lo ngại các công ty nhỏ bị sụp đổ.

Theo CNA , Indonesia cấm nền tảng thương mại điện tử Temu vì lo ngại nó có thể gây gián đoạn cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa của nước này, Bộ trưởng Bộ Truyền thông và Tin học Indonesia Budi Arie Setiadi cho biết.

Sàn trực tuyến toàn cầu này được điều hành bởi PDD Holdings, công ty cũng sở hữu nhà bán lẻ trực tuyến nổi tiếng của Trung Quốc là Pinduoduo.

Chính quyền Indonesia đã cảnh giác với việc Temu gia nhập nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á trong những tháng gần đây.

Mô hình kinh doanh sản phẩm trực tiếp từ nhà máy đến người tiêu dùng của công ty này đi ngược lại quy định thương mại của Indonesia yêu cầu phải có trung gian hoặc nhà phân phối, Giám đốc Cục thương mại trong nước của Bộ Thương mại Isy Karim cho biết trước đó.

 
Temu bị Indonesia cấm vào thị trường.

Bộ trưởng Budi phát biểu tại Jakarta mới đây rằng việc cho phép Temu vào Indonesia có thể gây tổn hại đến nền kinh tế và xã hội.

"Không, Temu không thể gia nhập vì nó gây tổn hại đến nền kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa của Indonesia. Chúng tôi sẽ không cho (Temu-PV) cơ hội", ông nói, iNews đưa tin.

"Chúng tôi muốn không gian số được lấp đầy bằng những thứ giúp xã hội năng suất và có lợi nhuận hơn. Nếu nó có hại, thì có ích gì? Chúng tôi sẽ cấm nó. Các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa của chúng tôi sẽ bị phá sản nếu không được kiểm soát", ông tiếp tục.

Bộ Hợp tác xã và Doanh nghiệp nhỏ và vừa Indonesia trước đây cho biết Temu đã ba lần cố gắng đăng ký hoạt động tại Indonesia.

Kể từ tháng 9/2022, công ty đã cố gắng đăng ký với Bộ Luật và Nhân quyền để xin quyền nhãn hiệu, ông Fiki Satari, Cán bộ đặc biệt về Trao quyền kinh tế sáng tạo tại Bộ Hợp tác xã và SME, cho biết vào tháng 8.

Việc đăng ký của công ty không được chấp thuận vì đã có một doanh nghiệp sử dụng tên này.

Đơn đăng ký của Temu đã trở thành chủ đề thảo luận sau khi công ty xuất hiện tại Triển lãm thương mại điện tử 2024 được tổ chức vào ngày 24 và 25/9 tại Jakarta.

Temu, có mặt tại khoảng 60 quốc gia, đã thâm nhập vào Đông Nam Á vào năm ngoái, bắt đầu từ Philippines vào tháng 8 năm ngoái và Malaysia vào tháng 9 năm ngoái. Công ty đã mở rộng sang Thái Lan vào tháng 7 năm nay.

Vào tháng 10 năm ngoái, Indonesia cũng đã cấm TikTok Shop, với lý do cần phải bảo vệ các thương gia nhỏ hơn và dữ liệu người dùng.

Nhưng “gã khổng lồ” video dạng ngắn đã mua 75% cổ phần của công ty thương mại điện tử Tokopedia của Indonesia vào tháng 1, đánh dấu sự tái gia nhập thị trường của công ty này.

TikTok Shop tăng trưởng tốt ở Đông Nam Á 

Theo báo cáo được công bố hồi tháng 7 năm nay của công ty tư vấn Momentum Works, sự tăng trưởng của TikTok Shop tại Đông Nam Á hầu như không bị cản trở bởi lệnh cấm của chính phủ Indonesia vào tháng 10/2023, tờ Business Times (Singapore) nêu trong một bài viết.

 
TikTok Shop ghi nhận các chỉ số tích cực tại thị trường Đông Nam Á.

Giá trị hàng hóa gộp (GMV) của nền tảng thương mại điện tử này - tổng giá trị hàng hóa được bán ra - đã tăng gần gấp bốn lần từ 4,4 tỷ USD vào năm 2022 lên 16,3 tỷ USD vào năm 2024.

Điều này đưa TikTok Shop ngang bằng với nền tảng thương mại điện tử Tokopedia của Indonesia với 16,3 tỷ USD, giảm so với mức 18,4 tỷ USD vào năm 2022.

Shopee chiếm thị phần lớn nhất về GMV, đạt 55,1 tỷ USD vào năm 2023, tăng so với mức 47,9 tỷ USD vào năm 2022. Lazada đứng thứ hai với 18,8 tỷ USD vào năm 2023, giảm so với mức 20,1 tỷ USD vào năm 2022.

Chỉ Shopee và TikTok Shop ghi nhận mức tăng trưởng GMV vào năm 2023. Công ty mới gia nhập Temu ghi nhận mức GMV dưới 0,1 tỷ USD ở Đông Nam Á, vì công ty này tập trung vào các khu vực giàu có khác.

Đầu năm nay, TikTok Shop đã mua lại phần lớn cổ phần của Tokopedia và nếu kết hợp lại, sẽ trở thành nền tảng thương mại điện tử lớn thứ hai xét theo GMV vào năm 2023.

Shopee tiếp tục dẫn đầu trên khắp Đông Nam Á, nắm giữ 40% hoặc hơn thị phần dựa trên GMV tại các quốc gia trong khu vực.

 

Dy Khoa