Thị Trường
08:13 10-10-2024Vì sao doanh nghiệp khó tuyển lao động phổ thông?
Theo các doanh nghiệp, hiện việc tuyển dụng lao động phổ thông ở Đà Nẵng gặp nhiều khó khăn. Ngoài thay đổi các chính sách tuyển dụng, doanh nghiệp cũng mong muốn chính quyền hỗ trợ, có chính sách thu hút nguồn nhân lực hiệu quả.
Ngày 9/10, tại Đà Nẵng diễn ra Diễn đàn Kết nối Doanh nghiệp năm 2024 do Ban quản lý Khu Công nghệ cao (CNC) và các khu công nghiệp (KCN) Đà Nẵng, Liên đoàn Lao động TP. Đà Nẵng và Báo Lao động tổ chức. Diễn đàn thu hút 350 doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư và đại diện các sở, ban, ngành địa phương.
Tại diễn đàn, đại diện các DN chia sẻ về những khó khăn trong quá trình tuyển dụng lao động thời gian qua.
Theo ông Okuda Hiroyuki - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Murata, KCN Hòa Khánh, một trong những thách thức lớn nhất hiện nay của DN đó là tuyển dụng lao động phổ thông.
“Thời gian qua, do tình hình sản xuất tăng cao, DN cần tuyển nhiều nhân sự để đáp ứng nhu cầu mở rộng và đảm bảo chất lượng sản phẩm. Chúng tôi mong muốn nhận được sự hỗ trợ của cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức đào tạo để cải thiện nguồn nhân lực về số lượng cũng như chất lượng”, ông Okuda Hiroyuki nói.
Đồng quan điểm, ông Phạm Bắc Bình - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Đà Nẵng - nhìn nhận, các DN trên địa bàn đang thiếu hụt nhân sự, đặc biệt là lao động phổ thông.
“Sau dịch COVID-19, người lao động không mặn mà quay lại với doanh nghiệp, KCN, họ có thể tìm được việc làm tự do với mức thu nhập ổn. Đây là bài toán khiến DN và cả chính quyền thành phố cần tính toán bởi nếu không có nguồn nhân lực thì việc thu hút đầu tư cũng bị ảnh hưởng”, ông Bình nói.
Ông Nguyễn Văn Phu - Giám đốc Công ty TNHH Daiwa Việt Nam - cho biết, từ đầu năm đến nay, DN có nhu cầu tuyển dụng 300 lao động nhưng đến nay đã bước vào quý cuối của năm vẫn chưa tuyển đủ.
Thời gian qua, công ty đã thay đổi nhiều chính sách trong tuyển dụng cũng như chính sách việc làm để thu hút người lao động.
“Chúng tôi đơn giản hóa quá trình tuyển dụng, chỉ cần đăng ký căn cước công dân và số điện thoại, bộ phận nhân sự sẽ gọi điện phỏng vấn và tuyển dụng trực tuyến. Công ty cũng triển khai chính sách lựa chọn giờ làm việc linh hoạt để tạo điều kiện cho người lao động có con nhỏ; cũng như tăng giờ làm, giảm giờ nghỉ trong phạm vi của Luật Lao động để công nhân đã làm đủ giờ trong tuần có thể nghỉ thêm thứ 7”, ông Phu nói.
Tuy nhiên, theo Giám đốc Công ty TNHH Daiwa, nỗ lực đơn lẻ từ phía DN là chưa đủ bởi dù có lợi thế về hạ tầng, chính sách nhưng nếu Đà Nẵng không đảm bảo nguồn nhân lực thì không thể cạnh tranh trong thu hút đầu tư.
“Tôi kiến nghị Ban quản lý khu CNC và các KCN cũng như chính quyền thành phố cần có nhiều chính sách cạnh tranh để thu hút nguồn lao động từ các địa phương lân cận. Có thể tạo điều kiện cho người lao động về nhà ở, các chính sách an sinh như miễn phí y tế, miễn giảm học phí cho con cái của công nhân, người lao động ngoại tỉnh…”, ông Phu gợi mở.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Đà Nẵng, lợi thế của Đà Nẵng là nằm cạnh nhiều địa phương có nguồn lao động dồi dào như Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Bình, Quảng Trị… Bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng là nơi mà nhiều người mong muốn được sinh sống và làm việc.
“Cần tận dụng tốt lợi thế này và có những chính sách phù hợp để thu hút nguồn nhân lực từ các địa phương khác, tạo điều kiện để họ ổn định cuộc sống và làm việc lâu dài tại Đà Nẵng”, ông Bình nói.
Giang Thanh
Tin liên quan
- Chuyên gia: "Mua vàng và hãy chờ xem những thay đổi bất ngờ có thể xảy ra trong năm 2025"
- Honda và Nissan: Bi hài cảnh 2 biểu tượng ô tô Nhật Bản phải dẹp bỏ mối thâm thù suốt 70 năm, bắt tay làm đồng minh để đấu với xe điện giá rẻ Trung Quốc và Toyota
- Thị trường 300.000 ô tô điện và 1 triệu xe máy điện của Việt Nam năm 2025: VinFast có một lợi thế áp đảo
- 5G sẽ đóng góp 900 tỷ USD cho kinh tế toàn cầu, Việt Nam thăng hạng 8 bậc khi có mạng 5G đầu tiên