clock

Giáo Dục

16:06 11-10-2022

Vì sao TP.HCM tăng học phí tối đa 5 lần nhưng lại cấp bù kinh phí?

Ngay sau khi TP.HCM thông qua mức học phí các cơ sở giáo dục công lập năm học 2022-2023, phụ huynh học sinh đã bày tỏ ý kiến về việc tăng học phí này.

TP.HCM chính thức áp dụng mức học phí mới  Đ.N.T

Sáng 11.10, HĐND TP.HCM đã chính thức thông qua mức học phí áp dụng cho các cơ sở giáo dục công lập từ mầm non cho đến phổ thông năm học 2022-2023.

Tăng học phí nhưng quyết định cấp bù ngay mức chênh lệch
Với quy định mới thực hiện từ năm học 2022-2023, có những bậc học, mức học phí tăng gấp 5 lần so với mức học phí áp dụng tại TP.HCM từ năm học 2021-2022 trở về trước. Cụ thể, học sinh THCS, học viên giáo dục thường xuyên bậc THCS ở các quận sẽ đóng mức học phí từ 60.000 đồng/học sinh/tháng lên 300.000 đồng/học sinh/tháng, tăng 5 lần so với trước đây.

Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM, mức học phí nói trên được TP.HCM thực hiện theo Nghị định 81 quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo đã được Chính phủ ban hành tháng 8.2021 và có hiệu lực thi hành từ 15.10.2021. Năm học 2021-2022, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến căng thẳng nên HĐND TP.HCM đã đồng ý thực hiện việc cấp bù học phí cho toàn bộ học sinh các bậc học.

Trong năm học mới, thực hiện theo lộ trình học phí nhưng với tình hình kinh tế khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Sở GD-ĐT TP.HCM đã đề xuất mức thu học phí thấp nhất (mức sàn) theo Nghị định 81 của Chính phủ. Tuy nhiên, người đứng đầu ngành giáo dục TP.HCM nhìn nhận vẫn phát sinh chênh lệch mức thu giữa địa bàn quận nội thành và các huyện ngoại thành. Đặc biệt TP.HCM đang trong giai đoạn phục hồi kinh tế, người dân mới bắt đầu có việc làm trở lại, thu nhập chưa ổn định nên mức thu mới tăng so với mức thu cũ là vấn đề hết sức nhạy cảm, ảnh hưởng đến tâm lý và đời sống người dân.

Chính vì vậy, trên cơ sở tham mưu của Sở GD-ĐT và đề xuất của UBND TP.HCM, HĐND TP.HCM đã đồng ý thông qua tờ trình về việc chi ngân sách cấp bù học phí hỗ trợ cho học sinh. Chính vì vậy, dù học phí áp dụng có tăng nhưng khoản thực đóng của học sinh vẫn giữ nguyên như mức học phí của năm học 2019-2020. Được biết, dự toán ngân sách TP.HCM cấp bù khoảng 1.500 tỉ đồng.

HĐND TP.HCM thông qua tờ trình hỗ trợ học phí, giảm gánh nặng cho phụ huynh học sinh  TNO

Một quyết định có tính nhân văn
Ngay khi Báo Thanh Niên đăng tải thông tin TP.HCM chính thức công bố mức học phí năm học 2022-2023 trong đó có nêu rõ mức học phí mới áp dụng và chính sách hỗ trợ để phụ huynh học sinh chỉ đóng theo mức thu của những năm học trước, khá nhiều bạn đọc đã bày tỏ ý kiến về quyết định nói trên.

Trước thông tin này, anh Dương Thanh Hùng, phụ huynh học sinh Trường THCS Nguyễn Du (Q.1, TP.HCM), nhận xét: "Dù biết khoản tiền học phí trong tổng các khoản chi tiêu cho việc học tập của các con của mỗi gia đình có thể không đáng bao nhiêu nhưng khi biết thành phố có chính sách hỗ trợ để phụ huynh đóng tiền bằng mức thu của 3 năm học trước đây, tôi thấy là một quyết định có tính nhân văn. Bởi dù sao các cấp lãnh đạo có quyền quyết định chính sách đã hiểu được những khó khăn thực tế mà người dân đang trải qua sau 2 năm bị ảnh hưởng quá nặng nề từ đại dịch".

Còn chị Nguyễn Thị Bích Vân, phụ huynh học sinh Trường THCS Lê Văn Tám (Q.Bình Thạnh) cho rằng chính sách về học phí của TP.HCM vừa đảm bảo thực hiện đúng quy định của Chính phủ vừa đáp ứng với mong mỏi của người dân. Các khoản thu giữ ổn định như cũ thì phụ huynh học sinh đỡ áp lực tiền trường đầu năm, theo chị Vân.

Theo Thanh Niên