06:08:36 Thứ hai, 20/01/2025

Trong Nước

09:02 14-09-2024

Vì sao Việt Nam chi hơn 800 triệu USD để nhập về mặt hàng nước ta xuất khẩu Top 3 thế giới?

Mặt hàng này từ Ấn Độ đổ về Việt Nam tăng vọt trong 8 tháng đầu năm 2024

Đó là gạo, một mặt hàng quan trọng của ngành Nông nghiệp Việt Nam.

Theo thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, trong 8 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 6,15 triệu tấn gạo, với kim ngạch đạt gần 3,85 tỷ USD, tương ứng tăng 5,8& về lượng và tăng mạnh tới 21,7% về giá trị.

Trong 8 tháng đầu năm 2024, giá gạo xuất khẩu bình quân đạt 625 USD/tấn, tăng 14,8% so với cùng kỳ của năm 2023. Gạo hiện là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao thứ 5 trong toàn ngành Nông nghiệp của nước ta, chỉ sau gỗ và sản phẩm gỗ; thủy sản, rau quả và cà phê.

Hiện nay, những thị trường xuất khẩu gạo truyền thống của Việt Nam là Indonesia, Philippines, Malaysia và Trung Quốc.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, chỉ trong 8 tháng qua, các doanh nghiệp của nước ta đã chi tới 843 triệu USD để nhập khẩu gạo các loại, tăng 43,6% so với cùng kỳ năm 2023. Theo đó, với tốc độ nhập khẩu gạo như hiện nay, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này dự báo có thể chạm hoặc thậm chí là vượt mốc 1 tỷ USD trong năm 2024. Đây sẽ là kỷ lục chưa từng có trong lịch sử.

Trên thực tế, trong năm 2023, Việt Nam đã chi 860 triệu USD để nhập khẩu gạo từ các quốc gia khác, trong đó chủ yếu là từ Ấn Độ và Campuchia.

Trong 8 tháng đầu năm 2024, nhập khẩu gạo từ Ấn Độ về nước ta tăng vọt, nhất là gạo tấm. Sở dĩ các doanh nghiệp Việt tăng cường nhập gạo từ Ấn Độ là do giá của mặt hàng này rẻ nhờ được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt 0% từ quốc gia này, theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN - Ấn Độ (AIFTA).

Việc chi tới hơn 800 triệu USD để nhập khẩu gạo trong khi nước ta luôn nằm trong top 3 quốc gia xuất khẩu mặt hàng này lớn nhất thế giới, khiến nhiều người bất ngờ. Vậy, đâu là nguyên nhân?

Vì sao Việt Nam tăng cường nhập khẩu gạo?

Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới hiện nay. Ảnh: HA

Trên thực tế, lượng gạo nhập khẩu về Việt Nam chủ yếu ở phân khúc thấp, bao gồm gạo 25% tấm và gạo 100% tấm. Những loại gạo này thường được nhập về để phục vụ cho việc sản xuất chế biến ra những sản phẩm từ gạo, chẳng hạn như bún, bánh, thức ăn chăn nuôi…

Theo các chuyên gia, sở dĩ nước ta tăng cường nhập khẩu gạo trong 8 tháng qua là vì từ giữa năm 2023 đến nay, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng, neo ở mức cao. Thậm chí, giá gạo của nước ta ở một số thời điểm con vượt xa so với những đối thủ cạnh tranh là Thái Lan và Pakistan.

Cụ thể, theo dữ liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam cập nhật vào ngày 11/9, giá xuất khẩu gạo 5% tấm của nước ta đạt 567 USD/tấn, cao hơn nhiều so với gạo cùng loại của Thái Lan và gạo của Pakistan, lần lượt là 2 USD/tấn và 32 USD/tấn. Tương tự, giá xuất khẩu gạo 25% tấm của nước ta có giá 533 USD/tấn, cao hơn so hàng cùng loại của Thái Lan (12 USD/tấn) và Pakistan (30 USD/tấn).

Trong khi đó, theo các chuyên gia, ở trong nước lại thiếu hụt một lượng đáng kể về gạo nguyên liệu để chế biến thức ăn chăn nuôi và thực phẩm như bánh phở, bún, bột gạo… nên gia tăng nhập khẩu. Mặt khác, do diện tích sản xuất có hạn, năng suất sản xuất cũng tới hạn nên việc bán được gạo giá trị cao và nhập khẩu các loại gạo nguyên liệu về nước để phục vụ chế biến cũng không có gì đáng lo, vì có lợi về giá hơn.

Lúa gạo là ngành sản xuất quan trọng của Việt Nam, giúp tạo ra sinh kế cho hàng chục triệu nông dân trên cả nước. Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu lớn trong sản xuất lúa gạo, góp phần quan trọng giúp bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Hiện nay, Việt Nam vẫn là một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, với kim ngạch xuất khẩu không ngừng tăng cao.

Trong năm 2024, nước ta đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu gạo đạt hơn 5 tỷ USD, tăng khoảng 300 triệu USD so với con số kỷ lục của năm 2023 là 4,78 tỷ USD.

Minh Hằng