Trong Nước
08:53 18-01-2025Việt Nam công bố một kỷ lục với quốc gia có quan hệ ngoại giao hơn 70 năm
Việt Nam cũng vừa ban hành nghị định mới để đẩy mạnh quan hệ giữa 2 quốc gia.
Quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Ba Lan được thiết lập từ năm 1950. Trải qua hơn 70 năm, mối quan hệ này càng tốt đẹp hơn.
Về quan hệ thương mại hai chiều, từ năm 2020 đến nay đều đạt trên 2,5 tỷ USD. Năm 2024, quan hệ thương mại giữa 2 quốc gia đạt trên 3,2 tỷ USD, tăng hơn 14% so với năm 2023. Trong đó, xuất khẩu tăng 24,4% và nhập khẩu tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2023. Kết quả này đã đưa Ba Lan trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Trung Đông Âu, trong khi đó, Việt Nam cũng là bạn hàng thuộc top đầu của Ba Lan ở Đông Nam Á.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường Ba Lan bao gồm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng; điện thoại các loại và linh kiện; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện; chất dẻo nguyên liệu, hàng dệt may, giày dép các loại, sắt thép và sản phẩm từ sắt thép; sản phẩm từ chất dẻo; cà phê; thủy sản, gạo....
Các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ Ba Lan gồm máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác; dược phẩm; sữa và sản phẩm từ sữa; kim loại thường khác; chế phẩm thực phẩm khác; thủy sản; chất thơm, mỹ phẩm và chế phẩm vệ sinh.
Đặc biệt, trong năm qua, Việt Nam ghi nhận một kỷ lục về du lịch khi lượng du khách Ba Lan thăm Việt Nam năm 2024 đạt 50.000 người.
Để mở rộng lượng du khách từ Ba Lan đến Việt Nam, ngày 15/1 vừa qua, Chính phủ Việt Nam ban hành nghị quyết về việc miễn thị thực cho công dân Ba Lan với thời hạn tạm trú 45 ngày.
Chính sách này được áp dụng từ ngày nhập cảnh với mục đích du lịch theo chương trình của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế của Việt Nam tổ chức, không phân biệt loại hộ chiếu, trên cơ sở đáp ứng đủ các điều kiện nhập cảnh theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk tin rằng hợp tác kinh tế giữa hai bên sẽ đạt những tầm cao mới trên nhiều lĩnh vực, trong đó có nâng cao kim ngạch thương mại theo hướng cân bằng hơn, cũng như có thêm nhiều ý tưởng nữa cho đầu tư song phương, đặc biệt là hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng – an ninh.
Về văn hóa, giao dục và đào tạo trong năm qua cũng được tăng cường. Ba Lan đã tăng học bổng diện hiệp định cho Việt Nam từ 20 lên 50 suất mỗi năm. Ba Lan đã đào tạo cho Việt Nam hàng nghìn kĩ sư, bác sĩ, các nhà khoa học trên các lĩnh vực; các công trình biểu tượng của Ba Lan vẫn còn phát huy rất tốt tại Việt Nam, như Bệnh viện hữu nghị Việt Nam - Ba Lan, Trường Trung học phổ thông Việt Nam - Ba Lan.
Về đầu tư, tính đến cuối tháng 10/2024, Ba Lan đứng thứ 21/149 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 32 dự án đầu tư còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 473 triệu USD, hình thức chủ yếu là 100% vốn nước ngoài. Việt Nam có 4 dự án đầu tư tại Ba Lan với tổng vốn đầu tư 1,84 triệu USD, thuộc lĩnh vực dịch vụ và công nghiệp chế biến.
Về việc hợp tác trong thương lai, tại cuộc họp tham vấn kinh tế song phương lần thứ 2 tại Warsaw, Ba Lan, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Việt Nam nhất trí với đề xuất của Ba Lan trong việc mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực như công nghệ bán dẫn, nông nghiệp, khai thác mỏ, năng lượng, môi trường, các giải pháp công nghệ bền vững và thân thiện với môi trường cho nền kinh tế tuần hoàn và quản lý nước thải.
Pha Lê
Tin liên quan
- Việt Nam công bố một kỷ lục với quốc gia có quan hệ ngoại giao hơn 70 năm
- Bầu Hiển muốn làm Tổ hợp đô thị sân bay, công nghiệp hàng không 3.400ha "phượng hoàng cất cánh" tại Quảng Trị
- Tân Tổng Giám đốc của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam là ai?
- Sẽ lập trung tâm nghiên cứu hạt nhân cách TP HCM 80km