Văn Hóa
10:31 13-10-2022Vĩnh biệt học giả An Chi: Nhọc nhằn từng chữ toát mồ hôi…
Tám mươi hai tuổi vẫn chưa già/Nhờ mê đọc sách với chơi hoa (thơ An Chi)
Tôi vẫn nhớ như in tiếng cười lẫn gương mặt đôn hậu của cụ khi chia sẻ bài thơ này. Vâng, chỉ dăm năm trước đây thôi, khi được hầu chuyện với cụ, tôi vẫn nghĩ cụ còn trẻ, rất trẻ nữa là khác bởi tôi đã nghe, đã học những chia sẻ tâm huyết của cụ về tiếng Việt. Tôi nghĩ câu thơ trên là một cách nói nhún, khiêm tốn nhưng rất tự tin. Bấy lâu nay, sự quan tâm dành cho cụ diễn ra hai chiều hướng đối nghịch, hoặc tán thành ca ngợi hoặc đả kích không tiếc lời. Thế nhưng, khi cần, cụ cũng đã tranh luận lại đâu ra đó, khiến tôi khi đọc những bài đó luôn nghĩ đến câu Kiều: “Nói điều ràng buộc thì tay cũng già”.
Một bản lĩnh rất đáng ghi nhận ở tư duy làm khoa học của cụ là “không có vùng cấm”, chính vì thế, cụ đã mạnh dạn đã “lật ngược vấn đề” một cách ngoạn mục và rất bất ngờ. Cụ đã có cái nhìn khác, phân tích khác, giải thích khác các học giả tiền bối mà cụ kính trọng như các cụ Hoàng Xuân Hãn, Đào Duy Anh, Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ... Điều này, có thể nhìn thấy qua bộ Chuyện Đông chuyện Tây, Rong chơi miền chữ nghĩa, Những tiếng trống qua cửa các nhà sấm, Truyện Kiều - bản Duy Minh Thị 1872…
Có điều thú vị là ngay từ năm 1990 khi bắt đầu xuất hiện trên trường văn trận bút, tên tuổi cụ đã vang dội như cồn. Nói không ngoa, khi bàn về từ nguyên, về tiếng Việt với những gì cụ đã trình bày, nhà ngôn ngữ học tài ba Cao Xuân Hạo đã ghi nhận: “Đó đều là kết quả của một quá trình tra cứu nghiêm túc, đầy trách nhiệm đối với khoa học và đối với người đã có lòng tin cậy mình”. Bấy giờ, trong giới học thuật đã “kháo nhau”: “An Chi là ai? Là ai mà có thể “đụng đến”, “cãi lại” nhiều vấn đề mà các “cây đa cây đề” xưa nay đã “chốt hạ” như đinh đóng cột?”.
Rằng thưa, cụ An Chi tên thật Võ Thiện Hoa, sinh năm 1935 tại Sài Gòn trong gia đình cơ sở kháng chiến. Cụ bảo: “Do đó, từ sớm, khoảng mười ba, mười bốn tuổi, tôi đã thích sách thân kháng chiến hoặc có nội dung chống Pháp”. Thời trung học, cụ học ở trường Chasseloup-Laubat. Khi trò chuyện với tôi, cụ không giấu giếm tình yêu vô bờ bến của mình dành cho sách, mà chính các nhà sách tại Sài Gòn đã thỏa lòng đam mê của cụ.
Đánh giá về sự nghiệp của nhà nghiên cứu An Chi khó có thể tóm tắt trong đôi dòng, nếu chỉ nói một điều gì đó, tôi nghĩ rằng, về tiếng Việt, chính cụ đã đặt lại vấn đề về “từ láy” trong tiếng Việt. Có thật là từ láy như quan niệm xưa nay? Hay là cả hai từ đó đều có nghĩa?
Từ suy nghĩ này, cụ An Chi đã tập trung khảo sát, phân tích và đưa ra một kết luận quan trọng: “Người sử dụng ngôn ngữ chỉ cần biết nghĩa của bịn rịn, bối rối, bời rời, mấp máy, nhấp nháy… mà không cần biết bịn, bối, bời… có nghĩa gì. Với anh ta thì trong những cặp đôi đó, hiện tượng láy là điều hiển nhiên nhưng mọi sự đều phải dừng lại đây, chứ nếu dựa vào đó mà khẳng định rằng “láy” là một phương thức tạo từ của tiếng Việt thì hoàn toàn sai. Chính từ quan niệm như thế nên tôi thấy muốn phủ nhận hiện tượng được phương thức “láy” như một biện pháp tạo từ thì phải làm từ nguyên, mà trọng yếu là từ nguyên của những từ Việt gốc Hán. Từ nguyên sẽ giúp ta giải mã cái bí ẩn lấp ló, thấp thoáng đằng sau hiện tượng “láy”. Nó sẽ giúp cho ta cảm thấy sảng khoái và thở phào nhẹ nhõm mỗi khi ta tìm ra được cái nghĩa đích thực của từng từ cổ hoặc hiện hành, bị gán cho cái nhãn “yếu tố láy”.
Khi mừng thọ bát tuần của nhà ngôn ngữ học Cao Xuân Hạo, cụ đã viết dòng chữ chói ngời: “Ngữ học siêu quần - Văn khoa bạt tụy”. Nay vĩnh biệt cụ, một người đã dành hết một đời cho tiếng Việt, vì tiếng Việt, tôi nghĩ đây cũng chính là suy nghĩ của tôi khi nghĩ về học giả An Chi. Và, tôi chỉ là một người học trò nhỏ, nay xin kính viếng cụ:
“Những tiếng trống qua cửa các nhà sấm”
Khiêm tốn, bền gan đến cuối đời
Chơi hoa, “Rong chơi miền chữ nghĩa”
Nhọc nhằn từng chữ toát mồ hôi…
Học giả An Chi tên thật là Võ Thiện Hoa, còn có các bút hiệu khác là Huệ Thiên, Huyện Thê, Viễn Thọ. Ông sinh ngày 27.11.1935 tại Sài Gòn, quê Gia Định (nay là Q.Bình Thạnh, TP.HCM). Vượt tuyến ra Bắc tháng 5.1955, ông tốt nghiệp trường Sư phạm Trung cấp Trung ương, rồi đi dạy học và làm nhiều nghề khác.
Từ năm 1975, ông trở vào Nam, công tác ở ngành giáo dục. Về hưu non, đọc sách và nuôi chim kiểng chơi, năm 1990 ông bắt đầu cộng tác với tạp chí Kiến thức ngày nay rồi phụ trách chuyên mục Chuyện Đông chuyện Tây của tạp chí này từ năm 1992 - 2007. Những kiến giải của học giả An Chi được tập hợp thành các cuốn nổi tiếng: Chuyện Đông chuyện Tây, Những tiếng trống qua cửa các nhà sấm… Bộ sách Rong chơi miền chữ nghĩa 5 cuốn tập hợp những bài giải đáp của ông trên nhiều tờ báo, nội dung bàn nhiều về ngữ nghĩa, đều do NXB Tổng hợp TP.HCM phát hành.
Học giả An Chi từ trần lúc 13 giờ 5 phút ngày 12.10.2022 (nhằm ngày 17.9 năm Nhâm Dần), hưởng thọ 88 tuổi. Hiện linh cữu của học giả An Chi quàn tại 482/52C Lê Quang Định, P.11, Q.Bình Thạnh, TP.HCM. Lễ nhập quan lúc 21 giờ 30 phút ngày 12.10, động quan lúc 13 giờ ngày 14.10. Sau đó linh cữu ông được đưa đi hỏa táng tại Trung tâm hỏa táng Bình Hưng Hòa, TP.HCM.
Lê Công Sơn
Theo Thanh Niên
Tin liên quan
- Cháy lớn ở Hà Nội, người dân leo lên mái tôn chạy lửa trong đêm
- Đón hè rực rỡ với giải golf SAM Tuyen Lam Summer Championship 2024
- Thứ chất lỏng đắt đỏ nhất thế giới, 1 lít có giá tới 10 triệu USD: Nhắc tên đã thấy nguy hiểm, nhưng được dùng để cứu sống hàng triệu người
- Một nhà hàng ở ngoại thành Hà Nội có view đẹp, báo Mỹ cũng khen hết lời