Trong Nước
08:29 21-02-2025Kinh tế Việt Nam có thể vượt ngưỡng 500 tỷ USD ngay trong năm nay
Việt Nam đang đặt mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm nay
Hôm 19/2, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết bổ sung kế hoạch phát triển kinh tế xã hội.
Theo đó, Quốc hội quyết nghị tăng trưởng GDP năm nay trên 8%. Mức này cao hơn kế hoạch được duyệt cuối năm ngoái 1-1,5% và một điểm phần trăm so với thực hiện 2024 (7,09%). Việc này là trợ lực để tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt hai chữ số thời gian tới và Việt Nam trở thành nước có thu nhập cao vào 2045.
Quy mô nền kinh tế 2025 dự kiến khoảng hơn 500 tỷ USD. Con số này tăng 24 tỷ USD so với năm ngoái, cho thấy mức độ tăng trưởng của nền kinh tế. GDP bình quân đầu người khoảng trên 5.000 USD. Chỉ tiêu lạm phát cũng được "nới" lên khoảng 4,5-5%.
Nếu vượt 500 tỷ USD năm nay, quy mô kinh tế Việt Nam có thể xếp thứ 31-33 thế giới.
Liên quan đến nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng cho biết, Quốc hội cơ bản tán thành các nhiệm vụ, giải pháp do Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội kiến nghị, đồng thời đề nghị Chính phủ và các cơ quan liên quan tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu.
Thứ nhất , đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, pháp luật và nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật. Theo đó, đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng “vừa quản lý chặt chẽ, vừa kiến tạo phát triển”, từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”; đề cao phương pháp “quản lý theo kết quả”, chuyển mạnh từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát.
Tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư, sản xuất kinh doanh, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số; Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý để thúc đẩy phát triển nhanh, lành mạnh, hiệu quả các loại thị trường (tài chính, chứng khoán, khoa học công nghệ, lao động, bất động sản…).
Việt Nam cần làm gì để tăng trưởng cao?
Đồng thời khẩn trương triển khai luật, Nghị quyết của Quốc hội đã được thông qua, nhất là các văn bản về sắp xếp tổ chức các cơ quan, bảo đảm hoạt động liên tục, thông suốt với hiệu quả cao hơn; hoàn thiện quy định về tổ chức bộ máy, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền phục vụ triển khai cuộc cách mạng về sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
Thứ hai , tập trung nguồn lực hoàn thiện kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại; khơi thông và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư công.
Thứ ba , tập trung cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo mọi điều kiện giải quyết nhanh các thủ tục đầu tư, các khó khăn vướng mắc trong hoạt động đầu tư kinh doanh, khuyến khích đầu tư của mọi thành phần kinh tế.
Theo đó, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, kinh tế tập thể, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Xây dựng cơ chế ưu tiên hình thành, phát triển lực lượng sản xuất mới, xây dựng cơ chế, chính sách phát triển mạnh doanh nghiệp dân tộc, quy mô lớn. Đồng thời tháo gỡ ngay các điểm nghẽn đối với thị trường bất động sản, thị trường vốn, thị trường trái phiếu doanh nghiệp; sớm bảo đảm các tiêu chí, điều kiện để nâng hạng thị trường chứng khoán trong năm 2025; có cơ chế khai thác hiệu quả các dòng vốn đầu tư gián tiếp, các quỹ đầu tư quốc tế.
Thứ tư , đẩy mạnh và làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống. Trong đó, hoàn thiện các cơ chế, chính sách về thuế, tín dụng để hỗ trợ tăng sức mua, kích cầu tiêu dùng, du lịch nội địa. Đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu và xúc tiến thương mại thị trường trong nước; thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số; phát triển thương mại điện tử. Phấn đấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (giá hiện hành) năm 2025 tăng khoảng 12% trở lên.
Thứ năm , thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới, phát triển lực lượng sản xuất mới, tiên tiến. Trong đó, tạo đột phá trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia theo Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị; đẩy mạnh chuyển đổi xanh, tăng cường đầu tư nghiên cứu và phát triển, thúc đẩy các ngành, lĩnh vực mới nổi như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn, điện toán đám mây, quang điện tử, công nghiệp Internet, Internet vạn vật, công nghiệp y sinh học, năng lượng mới, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí…
Đồng thời tăng cường đào tạo nhân lực chất lượng cao theo chuẩn quốc tế đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhất là những ngành, lĩnh vực ưu tiên, mới nổi như AI, khoa học dữ liệu, chip bán dẫn, công nghệ lượng tử, công nghệ sinh học, năng lượng nguyên tử, vật liệu tiên tiến, robot và tự động hóa, xây dựng và vận hành đường sắt tốc độ cao,… Đẩy mạnh ngoại giao kinh tế gắn với thúc đẩy thương mại, thu hút các nguồn lực bên ngoài, nhất là đầu tư khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Dy Khoa
Tin liên quan
- Dự trữ khí đốt trên khắp châu Âu cạn kiệt, có nơi chỉ còn chưa đầy 1/4 công suất: Đông chưa qua, EU đã phải ‘đau đầu’ với bài toán năng lượng tiếp theo
- Canadian Wood Việt Nam Đồng Hành Cùng Trường Đại Học Sư Phạm Kỹ Thuật TP.HCM
- Kinh tế Việt Nam có thể vượt ngưỡng 500 tỷ USD ngay trong năm nay
- Khu vực phía Nam sẽ khởi công tuyến đường sắt gần 10 tỷ USD đi qua 6 tỉnh, thành phố trước năm 2030?