Thế Giới
17:49 18-01-2025Nổi giận vì ông Trump đòi thâu tóm Greenland, Đan Mạch tuyên bố "mua cả nước Mỹ"? Chân tướng đã rõ
Thủ tướng Mute Egede tiết lộ, tất cả người dân Greenland đều bị sốc trước tuyên bố của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.
Thực hư việc Đan Mạch muốn mua lại nước Mỹ
Trước thềm lễ nhậm chức, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã tuyên bố ông muốn biến Greenland, vùng lãnh thổ tự trị của Đan Mạch, thành một phần của Mỹ và không loại trừ khả năng sử dụng sức mạnh quân sự hoặc cưỡng ép kinh tế để đạt được mục đích này.
Theo Reuters ngày 17/1, trước tuyên bố của ông Trump, người dùng mạng xã hội đang mạnh mẽ chia sẻ phát biểu được cho là của "Người phát ngôn của chính phủ Đan Mạch" rằng: "Đan Mạch rất có hứng thú với việc mua lại toàn bộ nước Mỹ, ngoại trừ chính phủ Mỹ".
Một câu trích dẫn khác, cũng được cho là của chính phủ Đan Mạch, có nội dung: "Chúng tôi tin rằng, bằng cách cung cấp cho Mỹ một hệ thống giáo dục và dịch vụ chăm sóc sức khỏe quốc gia, đất nước này có thể thay đổi từ một vùng đất rộng lớn thành một quốc gia vĩ đại".
Tuy nhiên, theo Reuters, cả hai bình luận trên thực tế đều được trích từ một bài báo trào phúng của tờ New Yorker đăng ngày 16/8/2019 với tựa đề "Đan Mạch đề nghị mua nước Mỹ".
Vào ngày 27/12/2024, tác giả bài viết Andy Borowitz đã chia sẻ lại bài viết cũ trên tài khoản Facebook cá nhân.
Reuters cũng cho biết, không có báo cáo đáng tin cậy nào xác thực về tuyên bố mua lại toàn bộ nước Mỹ từ chính phủ Đan Mạch vào năm 2019 hoặc thời gian gần đây.
Vào tháng này, Ngoại trưởng Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen đã phản hồi bình luận của ông Trump về việc mua lại Greenland rằng: "Chúng tôi hoàn toàn thừa nhận rằng Greenland có tham vọng riêng. Nếu những tham vọng đó thành hiện thực, Greenland sẽ độc lập, mặc dù vậy sẽ không có khả năng vùng đất này trở thành một bang của Mỹ".
Vào ngày 13/1, ông Rasmussen nhấn mạnh: "Chúng tôi sẵn sàng tiếp tục đàm phán với tân tổng thống Mỹ để đảm bảo lợi ích hợp pháp của Mỹ".
Thực tế, Tổng thống đắc cử Trump đã bày tỏ mong muốn mua Greenland vào năm 2019, nhưng đề xuất này đã nhanh chóng bị Đan Mạch cũng như chính quyền Greenland bấy giờ từ chối trước khi các cuộc đàm phán chính thức có thể diễn ra.
Greenland sẵn sàng đàm phán
Đáp lại động thái ngoại giao gây chấn động của ông Trump, Thủ tướng Greenland Mute Egede cho biết, vùng lãnh thổ này không muốn cắt đứt quan hệ với Đan Mạch nhưng cũng rất muốn hợp tác chặt chẽ hơn với Mỹ về quốc phòng và tài nguyên thiên nhiên.
“Chúng tôi mong muốn độc lập, mong muốn làm chủ ngôi nhà của mình... Đây là điều mà mọi người nên tôn trọng", Thủ tướng Edge nói trong bài phát biểu hôm 10/1. "Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng tôi cắt đứt mọi mối quan hệ, mọi sự hợp tác và mọi mối quan hệ với Đan Mạch".
Tuy vậy, phát biểu tại một cuộc họp báo ở Nuuk hôm 13/1, ông nhấn mạnh: "Thực tế là chúng tôi sẽ hợp tác với Mỹ — ngày hôm qua, hôm nay và ngày mai".
Nhưng ông vẫn kiên quyết: Người dân Greenland không muốn trở thành người Mỹ.
"Chúng ta phải rất thông minh trong cách hành động", ông nói. "Cuộc tranh giành quyền lực giữa các siêu cường đang gia tăng và hiện đang gõ cửa nhà chúng ta".
Theo New York Times ngày 13/1, ông Egede đã tiết lộ, tất cả người dân Greenland đều bị sốc trước tuyên bố của ông Trump.
Hầu hết lãnh thổ của Greenland được bao phủ bởi băng, chỉ có khoảng 56.000 người sống ở đây và khi biến đổi khí hậu làm tan chảy băng Bắc Cực, khu vực này đã âm thầm rơi vào tầm ngắm của các cường quốc trên thế giới.
Mỹ, Nga, các nước châu Âu, Trung Quốc và nhiều nước khác đang để mắt tới các tuyến đường vận chuyển ở Bắc Cực và các nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú vốn không còn bị coi là ngoài tầm với.
Hòn đảo này đã gắn liền với Đan Mạch trong nhiều thế kỷ, đầu tiên là một thuộc địa và giờ là một lãnh thổ tự trị. Đan Mạch vẫn kiểm soát các vấn đề đối ngoại và chính sách quốc phòng của hòn đảo.
Mỹ đã quan tâm đến Greenland trong nhiều năm. Trong Thế chiến II, Mỹ đã thiết lập các căn cứ ở đây, và sau chiến tranh, Washington đã cố gắng mua Greenland từ Đan Mạch nhưng bị từ chối. Ngày nay, quân đội Mỹ đang điều hành Căn cứ Không gian Pituffik, chuyên về phòng thủ tên lửa, ở đầu phía bắc của hòn đảo.
Tại Nuuk, mọi người dường như có cùng quan điểm với Thủ tướng Mute Egede, thể hiện sự pha trộn giữa hy vọng và thận trọng. Một số người cho biết họ không muốn bị Mỹ thâu tóm. Nhưng họ muốn có một mối quan hệ đối tác sâu sắc hơn với Mỹ.
“Điều chúng tôi thực sự cần là tăng cường hợp tác và thương mại hơn", Nielseeraq Berthelsen, một ngư dân, cho biết. Anh đang làm việc tại một chợ hải sản, bán những miếng da cá voi và thịt hải cẩu tươi sống.
Anh kể rằng tuần trước khi đang đi qua một trung tâm thương mại khác thì có người tiến đến gần và mời anh dự một bữa tối đặc biệt.
Anh cho biết, điều tiếp theo diễn ra chính là: Anh đã bắt tay Donald Trump Jr., con trai của Tổng thống đắc cử Mỹ.
"Ông ấy rất nhiệt tình", Berthelsen nói. "Ông ấy có rất nhiều năng lượng".
An An
Tin liên quan
- Nổi giận vì ông Trump đòi thâu tóm Greenland, Đan Mạch tuyên bố "mua cả nước Mỹ"? Chân tướng đã rõ
- Việt Nam có một thứ vượt trội, PGS ĐH top đầu Thái Lan: "Đây là thực tế đau lòng mà người Thái phải đối mặt"
- Dùng kế hoạch giống ông Troussier, HLV Kim Sang-sik sẽ thành công trong nhiệm vụ kép?
- Báo Singapore nói về chính sách “chưa từng có” cho các trung tâm tài chính sắp hình thành của Việt Nam