CEO Thế Giới
01:26 25-09-2020Ông chủ khách sạn Shangri-La kín tiếng: Tôi không xây lâu đài trong mơ, nhân viên phải là trung tâm
Trong cuốn hồi ký được xuất bản năm 2018, Tỷ phú Quách Hạc Niên (Robert Kuok) dành hẳn một chương để nói về Shangri-La, tổ hợp Khách sạn & Khu nghỉ dưỡng do chính tay ông xây dựng.
Sinh năm 1923, Tỷ phú Quách Hạc Niên từng là người giàu nhất Đông Nam Á theo xếp hạng của Forbes 2011. Tới tháng 7/2020, tài sản của vị tỷ phú này vào khoảng 10,6 tỷ USD. Ông Quách là người Malaysia gốc Hoa. Ông hiếm khi xuất hiện trước báo chí nhưng rất nhiều người biết ông với danh xưng "Vua đường châu Á".
Ở thời điểm hiện tại, chuỗi khách sạn 5 sao Shangri-La đang là di sản nổi danh bậc nhất của vị tỷ phú họ Quách. Đó cũng là lý do ông dành hẳn 1 chương trong cuốn hồi ký về cuộc đời mình chuỗi khách sạn này.
"Trong thế giới kinh doanh khách sạn, hay bất cứ ngành nghề nào, bạn cũng cần đề cao 3 yếu tố trong việc tuyển người là tài năng, sự chính trực và khả năng làm việc chăm chỉ. Nếu thiếu một trong 3 đặc điểm này, đó không phải lựa chọn phù hợp", vị tỷ phú họ Quách cho biết trong cuốn hồi ký.
Tuy nhiên, khi xây dựng khách sạn, không thể cắt giảm chi phí xuống dưới giá trị thực của công trình. Thực tế, mọi thứ đều có giá của nó và hàng tốt chắc chắn không thể quá rẻ. Đó là lý do vị tỷ phú gốc Hoa tin rằng rằng cần phải tập trung vào khâu quản lý để tránh thất thoát không đáng có thay vì hạ chất lượng công trình.
Khách sạn Shangri-La đầu tiên được ông Quách xây dựng trên lô đất gần đường Orchard ở Singapore. Việc nằm ở một vị trí nhộn nhịp có thể mang lại những giá trị xứng đáng. Xây khách sạn được ông Quách mô tả như việc đi câu của ngư dân.
Cần tìm đúng các dòng chảy, nơi những đàn cá qua lại tấp nập, để buông lưới bởi sẽ chẳng bắt được con cá nào nếu câu ở khu vực không có cá.
"Tôi không thích các khách sạn tính phí quá cao. Shangri-La đã làm đúng. Chúng tôi có thương hiệu, tiêu chuẩn và hướng tới lâu dài.
Tất nhiên, chúng tôi cũng muốn kiếm lợi hàng năm và chúng tôi đã thực hiện điều đó nhưng không phải bằng cách cắt cổ khách hàng của mình. Tôi muốn họ ra về trong vui vẻ và hài lòng", ông Quách chia sẻ trong cuốn tự truyện.
Trong khi ngành kinh doanh khách có những cạnh tranh gắt gao về giá, ông Quách nghĩ rằng một công trình không cần quá xa hoa tráng lệ. Việc tiêu tiền như nước với những phòng tắm mạ vàng được vị tỷ phú này mô tả là vô nghĩa bởi nó sẽ ngốn số tiền đầu tư cao gấp 2-3 lần.
"Các khách sạn Shangri-La được trang trí lịch sự để đáp ứng tiêu chuẩn 5 sao nhưng chúng tôi không chọn cách trang trí công phu hay xa xỉ. Tôi không xây lâu đài trong mơ", ông Quách chia sẻ. Việc thuê quản lý nước ngoài cũng được vị tỷ phú gốc Malaysia mô tả là không tối ưu.
"Chúng ta phải bắt đầu thực hiện 3 việc. Thứ nhất, chăm sóc các nhân viên của khách sạn. Thứ 2 là chăm sóc khách hàng và cuối cùng là chăm sóc cổ đông. Tôi thường xuyên nhắc lại những điều này trong các cuộc họp với những lãnh đạo hàng đầu của Shangri-La", vị tỷ phú chia sẻ.
Chăm sóc nhân viên đúng cách sẽ thúc đẩy họ làm việc và cống hiến, điều sẽ giúp khách hàng nhận được những dịch vụ tốt nhất. Nếu 2 điều này đi đúng hướng, cổ đông cũng được hưởng lợi với những khoản cổ tức xứng đáng.
Ông Quách sinh ngày 6/10/1923 tại Johor Bahru trong một gia đình người Malaysia gốc Hoa. Đầu thế kỷ 20, cha của ông Quách di cư tới quốc gia Đông Nam Á này từ Phúc Kiến, Trung Quốc.
Là con út trong một gia đình 3 anh em, ông Quách có thể nói tiếng Phúc Châu, tiếng Anh và tiếng Nhật ngoài tiếng Malaysia. Tại Học viện Raffles, ông Quách là bạn cùng lớp với Cố thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu.
Bắt đầu sự nghiệp kinh doanh khi còn là một chàng trai trẻ, Quách sau đó trở thành thư ký trong bộ phận kinh doanh gạo của Tập đoàn Nhật Bản Mitsubishi Shoji Kaisha trong giai đoạn 1942-1945, thời điểm Nhật Bản chiếm đóng khu vực. Tại đây, Quách sớm được thăng chức lên trưởng phòng kinh doanh.
Sau chiến tranh, ông Quách sử dụng những kỹ năng mình đã học được để đóng góp cho hoạt động kinh doanh của gia đình ở Johor. Mối quan hệ của ông với người Nhật tiếp tục được duy trì sau khi Malaysia giành độc lập. Năm 1959, ông thành lập công ty sản xuất đường Malayan Sugar Manufacturing Co. cùng với 2 đối tác Nhật Bản.
Năm 1961, Quách mua đường giá rẻ từ Ấn Độ trước khi giá tăng vọt. Sau đó, ông tiếp tục đầu tư mạnh vào ngành công nghiệp đường và có lúc kiểm soát tới 80% thị trường đường Malaysia và chiếm 10% tổng sản lượng toàn cầu. Ông được biết tới với biệt danh "Vua đường châu Á".
Bắt đầu xây khách sạn Shangri-La đầu tiên ở Singapore năm 1971, ông Quách nhanh chóng mở rộng kinh doanh sang Hồng Kông.
Cùng với đó, hàng loạt lĩnh vực mới cũng được ông trùm tài phiệt này đầu tư ở khu vực, trong đó có 10 công ty đóng chai cho Coca-Cola ở Trung Quốc. Năm 2007, dấu ấn mới của ông Quách là việc xây dựng nhà máy chế biến dầu cọ lớn nhất thế giới.
Sự nghiệp lẫy lừng từng khiến ông Quách trở thành người giàu nhất Đông Nam Á vào năm 2011. Tuy nổi tiếng nhưng vị tỷ phú này hiếm khi xuất hiện trước truyền thông, điều biến ông trở thành một trong những trùm tài phiệt kín tiếng bậc nhất.
Sinh gia trong một gia đình quyền thế nhưng cháu trai ông Quách Hạc Niên không chọn cách kế thừa di sản của gia đình.
Mùa hè năm 17 tuổi, chàng trai trẻ Kuok Meng Xiong – cháu nội ông Quách Hạc Niên, chọn cách trở thành nhân viên gác cửa toàn thời gian tại khách sạn Island Shangri-La ở Hồng Kông. Không có bất cứ ngoại lệ nào cho vị thiếu gia trẻ tuổi, Kuok Meng Xiong phải làm mọi việc mà một người ở vị trí đó phải làm.
Tuy nhiên, công việc của một người gác cửa không làm thay đổi thực tế Kuok Meng Xiong là thế hệ kế thừa trong một tập đoàn danh tiếng châu Á. Sau 20 năm quản lý cơ nghiệp đồ sộ của gia đình, Kuok Meng Xiong chọn một hướng đi mới thay vì tiếp nối những di sản của gia đình. Kuok muốn trở thành người giúp đỡ, mở cơ hội cho các startup .
Công ty đầu tư tư nhân của gia đình họ Quách mang tên K3 Ventures đã âm thầm rót vốn cho 38 startup bao gồm cả ByteDance của Trung Quốc (công ty sở hữu TikTok) và Grab của Singapore với số tiền khoảng 1 - 3 triệu USD. Ở thời điểm hiện tại, cả 2 cái tên này đều là những công ty khởi nghiệp giá trị lớn nhất thế giới.
Mở rộng hoạt động sang lĩnh vực đầu tư mạo hiểm là bước đi quan trọng đối với đế chế kinh doanh nhà họ Quách. Dù các mảng kinh doanh truyền thống của gia tộc này vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhưng việc chọn hướng đi mới được xem là cách chuẩn bị cho tương lai lâu dài.
"Những mảng kinh doanh này rồi có thể sẽ sớm gặp vấn đề, vậy tại sao không sớm tham gia vào những lịch vực mới?", Kuok Meng Xiong nhận định.
Tuy nhiên, những giá trị mà Kouk học được từ gia đình, bao gồm coi trọng nhân viên, đối xử với họ như người trong gia đình, vẫn tiếp tục được duy trì.
"Tôi học được rằng phải luôn đối xử với đồng nghiệp như người thân trong gia đình vậy. Anh cũng áp dụng quan điểm đó với những startup mà mình đầu tư. Phải gắn bó với họ để cùng kiên trì vượt qua mọi hoàn cảnh", Kouk chia sẻ.
Tin liên quan
- CEO NVIDIA Jensen Huang: Việt Nam có 1 triệu người làm CNTT, nếu chuyển đổi sang 1 triệu người làm bán dẫn thì Việt Nam sẽ tiến nhanh hơn rất nhiều
- Bán nước lọc làm giàu: Vị đại gia 4 năm liền giữ ngôi giàu nhất Trung Quốc từ sản phẩm có giá chưa đến 7 nghìn đồng
- Có cả nghìn tỷ đồng ở tuổi U80, người đàn ông vẫn thích ăn mì gói, mặc quần áo đến 10 năm mới chịu bỏ đi: Nguyên do chỉ từ một câu nói của mẹ
- Kỳ lạ tỷ phú tự thân đi ngược số đông, từ chối chi tiền mua du thuyền và thuê nhân viên chỉ vì 1 lý do