Giáo Dục
08:13 05-09-2022Sáng nay 5-9, gần 23 triệu học sinh cả nước dự khai giảng
Sáng nay 5-9, gần 23 triệu học sinh trên cả nước dự lễ khai giảng năm học mới, một lễ khai giảng sau đại dịch COVID-19 được nhiều nhà trường chuẩn bị đặc biệt.
Từ chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương tổ chức lễ khai giảng năm học mới gọn nhẹ, theo tinh thần giảm bớt những phần rườm rà của phần "lễ" mang tính hình thức, để dành thời gian cho các hoạt động mang lại không khí vui tươi, có ý nghĩa đầu năm học mới.
Sau một năm "không có ngày khai trường" do dịch COVID-19, các thầy cô giáo và học sinh đều mong đợi ngày khai giảng năm học.
Xem thêm: Lo áp lực lạm phát, hai Bộ hợp lực kiểm soát chặt giá sách giáo khoa và học phí
Lễ khai giảng năm học mới năm nay được nhiều trường chú tâm xây dựng các chương trình đặc biệt đón học sinh đầu cấp, tổ chức các hoạt động gắn với văn hóa truyền thống, hoặc các chủ đề được ưu tiên thực hiện trong năm học.
Năm học 2022-2023 là năm thứ 3 triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 và là năm đầu tiên chương trình mới triển khai ở cả ba cấp học: lớp 1, 2, 3 (tiểu học), lớp 6, 7 (THCS) và lớp 10 (THPT).
Vừa triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, vừa tiếp tục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2000 trong cùng một cấp học là thách thức đối với ngành giáo dục trong điều kiện còn nhiều thiếu thốn về trường lớp, giáo viên.
Đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm được bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định. Cùng với việc thực hiện chương trình mới, các nhà trường phải tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học, đánh giá, đặc biệt là đổi mới quản trị nhà trường, quản lý chuyên môn.
Lấy việc chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường là "trục chính" để triển khai các hoạt động đổi mới theo mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông 2018, với yêu cầu phát triển năng lực, phẩm chất người học...
Theo Tuổi Trẻ